Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

STEM & hướng nghề lập nghiệp

Nghề nghiệp liên quan đến STEM đang có cơ hội rất lớn, các bạn trẻ nên sớm tìm hiểu về STEM để có định hướng đúng đắn ngay từ khi còn học phổ thông.

Giáo dục STEM góp phần truyền cảm hứng cho sáng tạo, đổi mới.

Giáo dục STEM góp phần truyền cảm hứng cho sáng tạo, đổi mới.

Giáo dục STEM giúp học sinh phát triển toàn diện

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM là một quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành, từ hai trong số bốn lĩnh vực nêu trên trở lên. Trong đó, nội dung học tập được gắn với thực tiễn, còn phương pháp học tập được gắn với thực hành để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Thành viên Liên minh STEM nhận định: “Học STEM giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê và sự sáng tạo, hình thành thói quen tự học; biết ứng dụng kiến thức (khoa học, toán học, công nghệ, kỹ thuật) đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống cá nhân cũng như của cộng đồng với những phương pháp tiến bộ và năng động.”

Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được manh nha từ năm học 2006-2007, khi Bộ GD&ÐT thử nghiệm việc thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học tại một số trường THPT để chuẩn bị tham gia cuộc thi khoa học - kỹ thuật ISEF cấp tỉnh/thành phố. Sau đó, vào đầu những năm 2010, bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp nhập chương trình giáo dục STEM từ nước ngoài về và đưa vào dạy ngoại khóa tại một số trường phổ thông ở những thành phố lớn.

Những năm qua, Bộ GD&ÐT đã có nhiều chủ trương ủng hộ và khuyến khích giáo dục STEM như đưa giáo dục STEM vào nhiệm vụ không bắt buộc của các trường THCS và THPT (năm 2014), chỉ đạo việc thành lập câu lạc bộ STEM ở tất cả các trường phổ thông (năm 2015)... Gần đây nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã thể hiện sự đề cao giáo dục STEM ở việc yêu cầu dạy học tích hợp, tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.

Trong năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 trên cả nước được học theo chương trình và sách giáo khoa mới, trong đó mô hình giáo dục STEM lần đầu tiên được chính thức đưa vào giảng dạy. Năm học 2022-2023, học sinh khối lớp 10 tiếp tục học chương trình và sách giáo khoa mới có mô hình STEM.

Ngoài việc học trên lớp, việc tổ chức những ngày hội trải nghiệm, gian hàng trải nghiệm dành cho học sinh cũng là cơ hội để các em trình bày kết quả học tập, những ý tưởng và ứng dụng STEM cho tương lai. Ðây cũng là cơ hội để học sinh trực tiếp thực hiện các thí nghiệm, tham gia rất nhiều hoạt động sáng tạo như: Tập làm mô hình xe bóng bay, mô hình núi lửa, lật đật thăng bằng, máy nén thủy lực, kính tiềm vọng…

Các hoạt động STEM hiện nay diễn ra sôi động ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Ðà Nẵng với sự tham gia của nhiều công ty giáo dục trong và ngoài nước. Các công ty này phân phối công cụ và chương trình học STEM như phần mềm, robot, các mô hình học tập trực quan, sinh động cho trường học.

Các phong trào STEM nổi bật hiện nay gồm có: Ngày hội STEM quốc gia, được tổ chức thường niên từ năm 2015 do Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì. Ngày hội STEM 2022 đã tổ chức tại 10 tỉnh thành cả nước, thu hút hàng nghìn học sinh và giáo viên.

Ở quy mô cấp trường và các cấp giáo dục cao hơn như sở giáo dục, phòng giáo dục có hàng trăm ngày hội STEM và các câu lạc bộ STEM được tổ chức. Một trong những địa phương đi đầu và tiên phong với các hoạt động phong trào và ngày hội STEM phải kể đến huyện Thanh Chương, Nghệ An - nơi có 88 câu lạc bộ STEM tại các cấp học với 100% giáo viên phụ trách đã được tập huấn chuyên môn về robot và tích hợp STEM theo chủ đề. Ðiều này cho thấy, giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa, được biết đến nhiều hơn và hình thành nền tảng phát triển bền vững.

Ngô Đình Gia Bảo, học sinh lớp 11 trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM đoạt giải vô địch cuộc thi lập trình robot tại Singapore.

Ngô Đình Gia Bảo, học sinh lớp 11 trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM đoạt giải vô địch cuộc thi lập trình robot tại Singapore.

Sức hấp dẫn của nghề STEM

Hiện nay, các ngày hội học và thi STEM không chỉ dừng lại ở phạm vi nhà trường hay các cấp quận/huyện, thành phố mà đã mở rộng tầm khu vực. Phối hợp cùng ÐH Công nghệ Nanyang (NTU), Công ty giáo dục GaraSTEM tại TP.HCM vừa tổ chức thành công cuộc thi lập trình robot diễn ra tại Singapore. Tại cuộc thi này, em Ngô Ðình Gia Bảo, học sinh lớp 11 Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, đã đoạt cúp vô địch.

Gia Bảo chia sẻ: "Em có định hướng sẽ học ngành khoa học máy tính khi vào đại học, cho nên cuộc thi này rất phù hợp và cho em cơ hội trải nghiệm sớm đam mê của mình. Kiến thức lập trình trên sách giáo khoa rất khác khi áp dụng vào thực tế. Em phải chú ý và tính toán kỹ đến các yếu tố môi trường, ví như lực ma sát và phải tối ưu, điều chỉnh để robot hoạt động được. Thông qua đó, em học được kỹ năng phân tích giải pháp, giải quyết vấn đề và lập luận logic. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều bạn bè quốc tế nên em có dịp kết bạn, học hỏi, chia sẻ sở thích và giao lưu văn hóa".

Trong thế giới nghề nghiệp muôn sắc màu, có những nghề nghiệp của thời đại công nghệ 4.0, đó chính là những nghề nghiệp STEM. Một số ngành STEM được đánh giá cao hiện nay gồm: Công nghệ thông tin; Hệ thống Mạng máy tính và Viễn thông; Máy tính và An ninh hệ thống thông tin; Khoa học máy tính và Thông tin; Ða phương tiện và Thiết kế tài nguyên thông tin; Kỹ sư Ðiện - Ðiện tử, Cơ khí, Ðiều khiển và Tự động hóa; Kỹ sư máy tính; Quản lý cơ sở dữ liệu và mẫu dữ liệu; Khoa học vật lý và sinh học; Kỹ sư hóa học; Thiên văn học; Khoa học trái đất; Khoa học sức khỏe, Sinh - Y học…

Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam - Tech Hiring 2022, mức lương lập trình viên dao động từ 8 triệu đồng (mới ra trường) đến hơn 30 triệu đồng cho các vị trí có nhiều kinh nghiệm. Các vị trí Quản lý từ 5 năm trở lên được khảo sát có mức lương từ 35 đến hơn 50 triệu đồng. Trong đó, các cấp được trả lương cao nhất yêu cầu các kỹ năng như: Phân tích dữ liệu (Data Analyst), Ðiện toán đám mây (Cloud Computing), Phát triển vận hành (DevOps), Trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nhưng nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành.

“Với giáo dục STEM, học sinh không bị bó buộc vào một ngành nghề cụ thể mà các em được hình thành tư duy chủ động nghiên cứu, hình thành năng lực tự học để ứng biến trong xã hội hiện nay, hướng đến giáo dục toàn diện và học tập suốt đời”

TS. Nguyễn Thanh Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).