Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sự hai mặt của “những chính khách” trên con tàu sắp về ga cuối

Tuần vừa rồi, tham dự hội nghị bàn về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nọ, tôi không còn tin vào tai mình, khi nghe ông N phát biểu. Với giọng ra vẻ trầm tư, ông N nêu lên những yếu kém, chậm phát triển, trì trệ xảy ra ở địa phương.

 

Ảnh minh họa.

Ông ca cẩm, địa phương còn nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ đọng, nợ xấu kéo dài, chậm lương, nợ lương người lao động; một số cơ quan công quyền buông lỏng quản lý dẫn đến  trật tự trị an diễn biến phức tạp, xây dựng không phép, sai phép gây nhiều hệ lụy xấu, một số công trình không phát huy hiệu quả,... Trong tham luận của ông  N, kinh tế- xã hội của địa phương nọ  được vẽ bằng một màu ảm đạm, xám xịt. Nhưng tiếc thay, trước đó không lâu, trong một đại hội của địa phương trên, và người đăng đàn cũng chính là ông  N, tôi lại được nghe ông N phát biểu thật hùng hồn, hào sảng về sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nào là kinh tế  có nhiều khởi sắc, GDP tăng trưởng khá cao, ổn định, năm sau tăng hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với 5, 10, 15 năm trước, đô thị được chỉnh trang, nông thôn mới đang chuyển mình, có nhiều đột phá,... Nghĩa là kinh tế - xã hội của địa phương trong tham luận của ông N là bức tranh tươi rói, có một tương lai rất đẹp, rất sáng.

Tại sao cùng một người, đánh giá về một vấn đề , ở hai diễn đàn khác nhau, lại có sự bất nhất như vậy? Tại hoàn cảnh, tại chỗ đứng, hay tại sự giả dối hèn nhát, phát ngôn theo kiểu gió chiều nào, che chiều đó;  đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy?

Trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay không ít người bị hụt hẫng về văn hóa, nhận thức, dẫn đến lệch lạc trong nhận xét, đánh giá. Ở lĩnh vực nào, hiểu biết của họ cũng  trong tình trạng “đi mây về gió”, như chuồn chuồn đạp nước. Nhưng lúc nào họ cũng tỏ vẻ đăm chiêu, quan trọng, sợ bị “thua em, kém chị” nên có cơ hội là xăng xái đăng đàn, nghĩ gì nói nấy, “chém gió” rào rào. Nhất là khi ở vào thế không có gì để mất, theo ý chí cá nhân, “cóc ngồi đáy giếng”, họ khen chê bạt mạng.

Để thỏa mãn cái tôi, cái oai của con hổ giấy, sự vinh hoa của bong bóng, họ đâu ngờ phát ngôn thế là tự vả vào mặt mình, đồng thời gây nhiễu cho dư luận.Họ như hành khách đang đi về ga cuối, chống chếnh, giật mình, lo sợ chuyến tàu cuộc đời sẽ bỏ rơi, nên có những phản ứng vô thức. Thế là đại ngôn, lộng ngôn, nói ngược. Theo họ phát như thế, “không thành công cũng thành nhân”, cố gượng một chút tàn hơi để may ra người đời còn nhớ đến.

Suy cho cùng những phát ngôn “lá mặt, lá trái” trên cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Con tàu cuộc sống vẫn cứ băng băng đi về phía trước. Nó sẽ nghiền nát mọi sự hèn hạ, giả tạo. “Vải thưa không che được mắt thánh”, xin đừng đóng kịch, diễn tuồng ma mãnh với nhân dân.