Ngày 31/08/2020, chị Bùi T.T.N đi khám với dấu hiệu ra dịch hồng, đau bụng từng cơn ở tuần thai thứ 26 tại một bệnh viện ở huyện Tân Thạnh, Long An. Sau khi thăm khám, bác sĩ thấy chị N. có dấu hiệu dọa sinh non và chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An.
BS. Lương Kim Chi – Trưởng khối Sơ Sinh Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An cho biết: Tại bệnh viện, qua thăm khám và siêu âm, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp hiếm gặp tại các bệnh viện địa phương, ngay lập tức bác sĩ khoa Sơ Sinh được mời lên hội chẩn để xác định về khả năng sống của bé. "Nhỏ hay lớn gì cũng phải cứu".
Sau 2 giờ nhập viện, bé gái được chào đời với cân nặng 700gram, chiều dài và chu vi vòng đầu là 33cm và 24cm. Lúc mới sinh bé trong tình trạng nguy kịch, không khóc, không thở, tím tái toàn thân, các Bác sĩ của Khoa Sanh và Khoa Sơ sinh đã phối hợp ngay lập tức hồi sức bé bằng cách lau khô kích thích, bóp bóng qua mặt nạ; sau 2 phút bé đã thở được, da hồng hào trở lại. Sau đó, bác sĩ đã áp dụng phương pháp da kề da với mẹ và gắn hệ thống thở NCPAP hỗ trợ phổi cho bé (đây là phương pháp hiệu quả nhưng ít xâm lấn bé), đánh giá lại sau mỗi 30 giây để tiếp tục phương pháp này. (Trường hợp của bé ổn định với >90%, nhịp tim 140 lần/ phút, Fi <30%). Bác sĩ Kim Chi cho biết.
Điều đặc biệt, trong vòng 60 phút đầu tiên sau sinh, bé đã được ăn sữa non của mẹ ngay tại phòng sanh. Sau 2 giờ, tình trạng mẹ và bé ổn định được cho về khoa Sơ Sinh chăm sóc đặc biệt, bé tiếp tục thở NCPAP, thực hiện phương pháp da kề da 24/24h, cho ăn sữa mẹ, kèm nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và kháng sinh.
Một tuần sau sinh, bé ngưng phương pháp hỗ trợ NCPAP và tự thở khí trời. Hai tuần tiếp theo, bé ngưng tất cả các can thiệp y tế, nuôi ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Hành trình hồi sinh kỳ diệu của bé Bắp
Gặp bé sau 57 ngày được chăm sóc tại khoa Sơ Sinh Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An, cân nặng bé đã được 1,545 kg, chiều dài 42,5cm, vòng đầu 31,5cm, đã có khả năng tự bú mẹ. Bé thường xuyên cười, mỗi đầu giấc ngủ và khi nghe được giọng ba mẹ luôn luôn cười rất tươi, bé rất nhanh nhạy khi nghe được giọng nói của người thân. Chúng tôi cảm nhận rất rõ được sự hạnh phúc của cả bé và gia đình trong từng ngày phát triển.
Chia sẻ với chúng tôi, Chị Bùi T.T.N – mẹ của bé hạnh phúc: "Lúc mới sinh Bắp (tên thân mật của bé) chỉ nhỏ xíu như một chú chuột con, tay chân đỏ hỏn… lúc đó mình chỉ biết khóc và cố gắng chăm sóc cho con theo hướng dẫn của bác sĩ, giờ Bắp đã lớn được chút rồi, Bắp biết khóc, cười, biết lắng nghe lời của ba mẹ, và dần dần biết bú… chỉ mong Bắp của mẹ sẽ thật ngoan và khỏe mạnh." Chị N. xúc động.
"Cảm ơn đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An đã cứu sống và tận tâm chăm sóc cho hai mẹ con mình, cũng không biết nói gì thêm, các bác sĩ ở đây rất tận tình, thường xuyên thăm khám, hướng dẫn chi tiết và chăm sóc rất tốt, mình cảm ơn rất nhiều." Chị N. chia sẻ thêm.
Sau khi đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau bé sẽ được xuất viện: Bé tăng cân liên tiếp 3 ngày (khoảng 15-20gram/ ngày); Thân nhiệt ổn định; Không có cơn ngưng thở bệnh lý; Có khả năng tự bú nuốt; Mẹ tự tin chăm sóc bé tại nhà. Tuy nhiên chương trình chăm sóc cho bé không kết thúc sau khi ra viện mà kéo dài đến ít nhất một năm tuổi hiệu chỉnh (khi bé 15,5 tháng tuổi sinh). Bé sẽ được tái khám theo dõi thường xuyên theo lịch khám của Bác sĩ.
Lời khuyên "đắt giá" dành cho các mẹ bầu
"Trường hợp của sản phụ Bùi T.T. N và bé được cứu sống là trường hợp rất đặc biệt, thông thường các bé sinh cực non sẽ có tỷ lệ sống sót thấp nhưng tỷ lệ tàn tật cao. Sau quá trình chăm sóc và theo dõi chúng tôi nhận thấy mẹ hồi phục rất nhanh, bé phát triển rất tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. Nhã Uyên là một em bé cực kỳ hạnh phúc, hay cười, chăm bú và rất ngoan. BS. Lương Kim Chi chia sẻ.
Tại đây, chúng tôi xem phương pháp da kề da ngay sau sinh như là cách hỗ trợ cho điều trị y tế để đạt hiệu quả tối ưu cho trẻ sơ sinh đủ tháng cũng như non tháng, đặc biệt là trẻ sinh cực non"
Thông qua trường hợp trên, BS. Lương Kim Chi đưa ra lời khuyên đối với các mẹ bầu như sau: "Nếu bà mẹ có nguy cơ dọa sinh non, thì nên lựa chọn khám và sinh tại các cơ sở y tế có chăm sóc Kangaroo, da kề da sau sinh để được chăm sóc tối ưu cho mẹ và bé. Nên dùng các thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi nếu có dấu hiệu dọa sinh non (ở tuổi thai 24 đến 34 tuần thai) theo chỉ định của bác sĩ."
Đặc biệt, sữa mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh và giờ thứ 2 trở đi hoàn toàn khác nhau. Sữa non trong 1 giờ đầu sẽ giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tăng khả năng phát triển của bé sau này. Đó là lý do tại sao Bộ Y tế và WHO khuyến cáo nên cho bé bú mẹ ngay trong 1 giờ sau sinh.
Về phương pháp da kề da sau sinh, ngực mẹ là môi trường lý tưởng nhất để làm ấm, nuôi dưỡng và bảo vệ bé tối ưu, giúp phát triển và ngăn ngừa bệnh tật. Không có môi trường nào khác có thể thay thế ngực của mẹ với sự áp ấm cả về thể chất lẫn tinh thần, mẹ sẽ truyền cho con tình yêu thương và cảm xúc dịu dàng nhất.
Trước đó hai ngày, Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An đã cứu sống bé cân nặng 1 kg, sinh non ở tuổi thai 28 tuần, mẹ và bé được theo dõi tại khoa Sơ Sinh, bé phát triển ổn định, tăng được hơn 300gram sau 4 tuần chăm sóc. Hiện tại mẹ và bé đã được xuất viện, theo dõi và tái khám định kỳ.
Không riêng hai bé trên, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An đã cứu sống và điều trị thành công nhiều ca sinh non cũng như sinh đủ tháng gặp khó khăn sau sinh tại Bệnh viện và các tuyến dưới chuyển lên.
Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, tổng số ca sinh tại bệnh viện là 1214, trong đó có 226 bé nhập khoa sơ sinh (sanh tại viện và ngoại viện), 30 bé nhẹ cân (dưới 2,5kg), 100% các bé đều được da kề da tại phòng sinh, 100% đều áp dụng phương pháp Kangaroo cho bé nhẹ cân.