Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sự nghiệp Báo Lao động & Xã hội và dấu ấn của Bộ trưởng Trần Đình Hoan

(Dân sinh) - Đêm 21/8/1993, tôi cùng anh em cơ quan đại diện phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã túc trực ngay từ chập tối đợi chờ giây phút chào đời của "đứa con mang nặng đẻ đau" với tất cả sự hồi hộp và nỗi âu lo. Đúng 0h đêm - tại Nhà máy in ITAXA - số báo LĐ&XH đầu tiên chính thức được bấm máy với số lượng in 10.000 bản. Tất cả chúng tôi đã vỡ oà reo lên vô cùng sung sướng!

Bộ trưởng Trần Đình Hoan.

Bộ trưởng Trần Đình Hoan.

Sự hiện hữu của đứa con đầu lòng với dáng vẻ khoẻ khoắn, sáng sủa và tư thế rất chững chạc đã biến giấc mơ của chúng tôi trở thành sự thật! Chúng tôi chụm đầu rồi truyền tay nhau và hít thật sâu mùi mực còn tinh khôi, ai nấy đều như muốn rưng rưng lệ. Trong quá trình chuẩn bị số báo đầu tiên, Tổng Biên tập Trịnh Tố Tâm chỉ thị cho tôi hết sức ngắn gọn: "Vạn sự khởi đầu nan. Đã ra quân là phải giành chiến thắng và phải thắng ngay từ trận đầu"... Nén kìm cảm xúc, tôi bình tâm nhờ máy điện thoại bàn của phòng trực nhà in ITASA gọi về Hà Nội báo cáo với Thứ trưởng - Tổng Biên tập Trịnh Tố Tâm tin vui…

Trên trang nhất số 1 ra ngày 25/8/1993, nội dung của số báo đầu tiên ê-kíp biên tập đã thoát ly tất cả những khuôn mẫu nghi thức xáo mòn mà "xộc thẳng vào hiện thực của cuộc sống" với những cái "TÍT" nóng hổi hơi thở của thời cuộc: "Báo mới của bạn"; "Lương Mới có gì MỚI"? "Bộ trưởng Trần Đình Hoan: Nhân bản và Đổi mới"; "Nhà báo Trần Bạch Đằng: Lao động và Xã hội - 2 Đại vấn đề của nước ta hiện nay"; "Cố vẩn của ông cố vấn", v.v…

Trước khi tổ chức Lễ ra mắt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 10.000 tờ báo đã được phát hành rải đi khắp nước và có mặt trên các sạp báo hầu hết ở đô thị các tỉnh - thành…

z4633815209343_8c6cca8eb660b056f0de8c7eae6b7bdf

Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại trong đời sống chính trị của dân tộc: Việt Nam chính thức bước vào công cuộc ĐỔI MỚI đất nước. Không khí, làn gió đổi mới đã lan tỏa tới từng ngõ ngách của cuộc sống. Lúc này, Bộ Lao động, Bộ Thương binh &Xã hội, Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh đã được sáp nhập thành Bộ LĐ-TB&XH; trở thành một Bộ lớn quan trọng của Chính phủ. Vào nửa nhiệm kỳ cuối của ĐH VI - tháng 4 năm 1989 - Thứ trưởng Trần Đình Hoan 49 tuổi (lúc này tuy chưa phải là Uỷ viên Trung ương) đã được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Trở thành thành viên Chính phủ ở nhiệm kỳ này Phó giáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Hoan là một cán bộ trí thức khoa học - một nhà lãnh đạo trẻ đầy tiềm năng... Nhận trọng trách mới Đảng giao, ông thức trắng nhiều đêm trăn trở, trằn trọc trước bao bức xúc đang ngổn ngang của hiện thực xã hội đất nước. Vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ 20, đất nước ta đang đứng trước vô vàn thử thách cam go: Vấn nạn giải quyết công ăn việc làm trong xã hội đang nhức nhối; Chính sách tiền lương sau thất bại của cuộc cải cách Giá – Lương - Tiền năm 1985 là một bài toán vô cùng hóc búa; Chính sách đối với người có công với nước và giải quyết hậu quả thời hậu chiến của một đất nước trải qua chiến tranh triền miên v.v... và v.v... Lĩnh vực lao động và xã hội đang thực sự trở thành hai đại vấn đề của quốc gia!

z4633815205029_d757ea237a508a98eff89b1f084e1b2b

Tại ĐH VII năm 1991 ông chính thức trở thành Uỷ viên Trung ương. Đây là thời kỳ công tác quản lý Nhà nước của ngành Lao động - Thương binh & Xã hội đòi hỏi phải nâng lên một tầm cao mới. Sự chuyển đổi chính sách từ cơ chế cũ sang cơ chế mới đã thực sự đang phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh ấy Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã đau đáu ấp ủ sự cần thiết phải có một tờ báo là cơ quan ngôn luận của ngành để làm công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, hoạch định chính sách và tiếp thu phản hồi từ thực tiễn của cuộc sống để chính sách được hoạch định ngày một hoàn thiện hơn. Thời kỳ đó tuy là một bộ lớn của Chính phủ có trọng trách hết sức nặng nề nhưng chỉ có một tờ tạp chí mang tính nghiên cứu nên không thể phổ biến sâu rộng được các lĩnh vực công tác của ngành. Ý tưởng ra đời một tờ báo mới của ông đã được phổ biến, truyền đạt trong tập thể lãnh đạo và toàn cơ quan Bộ.

Đích thân ông đã khuyến khích, cổ vũ một số cán bộ trong cơ quan xây dựng. Và ông đã tuyên bố rộng rãi với anh emlàm công tác báo chí trong ngành tinh thần: Nếu ai trình Đề án thành lập tờ Tuần báo của ngành LĐ-TB&XH được Bộ phê chuẩn thì sẽ giao cho người đó làm Tổng biên tập!

z4633815197596_7756dbc9e8bc6e2e183a2f6e517eba7a

Thời kỳ này tôi đang là Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân vốn đã có cộng tác chặt chẽ với tờ Tạp chí Lao động & Xã hội của Bộ. Đầu năm 1990, tôi chính thức được Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) điều động vào thường trú tại Cơ quan đại diện phía Nam của Báo Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh. Ở môi trường này, tôi đã được tắm mình trong bầu không khí đổi mới của đời sống báo chí ở một thành phố năng động trong thời kỳ đầu thập kỷ 1990. Sự cộng tác của tôi với Tạp chí Lao động & Xã hội ngày càng gắn bó hơn. 

Bộ trưởng Trần Đình Hoan thăm và làm việc tại Báo Lao động &Xã hội

Bộ trưởng Trần Đình Hoan thăm và làm việc tại Báo Lao động &Xã hội

Anh Lê Văn Minh - Tổng Biên tập Tạp chí - đã truyền đạt với tôi tất cả tinh thần, ý tưởng, mong muốn của Bộ trưởng Trần Đình Hoan về việc ấp ủ ra đời tờ tuần báo. Hiểu rõ khả năng và nhiệt huyết của tôi, chính anh Lê Văn Minh đã khích lệ, động viên tôi xây dựng Đề án thành lập tờ tuần báo của ngành LĐ-TB&XH. Với ý chí quyết tâm, sự đam mê và khát khao chinh phục lĩnh vực mới, trong tôi lúc đó tràn ngập niềm tin. Và tôi đã dành tất cả tâm sức cho việc nghiên cứu, thực hành và soạn thảo Đề án xuất bản tờ tuần báo. Ngày 1/10/1992, Đề án Thành lập tờ Tuần báo của ngành LĐ-TB&XH đã chính thức được hoàn thiện và trình lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan. Tôi thấp thỏm trở về TP Hồ Chí Minh chờ đợi. Vào một ngày trung tuần tháng 10/1992, sau những ngày hồi hộp chờ đợi sự phản hồi, Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã xếp lịch để nghe tôi thuyết trình về Đề án.
Bộ trưởng Trần Đình Hoan vốn là một nhà khoa học và ông là một vị lãnh đạo trưởng thành từ rất trẻ nên có một tầm nhìn hết sức khoáng đạt đổi mới và đặc biệt có niềm tin vào lớp cán bộ trẻ. Lần đầu tiên được tiếp kiến, ông đã gieo ngay vào lòng tôi một niềm tin vững chãi. Do đã nghiên cứu rất kỹ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH cũng như đời sống báo chí thời kỳ đó nên tất cả những câu hỏi đặt ra tôi hầu như đều ghi được điểm trước Bộ trưởng. Đề án tôi trình lên Bộ trưởng đã được ông chỉ đạo vụ Tổ chức cán bộ triển khi lấy ý kiến và tiến hành các phương án chuẩn bị cho sự ra đời của tờ tuần báo.

z4633815192659_a72cf873e4dee9328baf5cb2728f23ed

Sau buổi làm việc ấy, vào một ngày đầu tháng 11/1992, trong một chuyến công tác ở phía Nam, Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã cho Thư ký là anh Bình mời tôi đến Văn phòng 2 của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh để ông nghe tôi trình bày kỹ thêm về Đề án. Ông yêu cầu tôi trình bày thật chi tiết, tỉ mỉ về tính thực thi của Đề án. Sau khi chăm chú lắng nghe và chất vấn tôi từng điểm, cuối buổi làm việc Bộ truởng kết luận ngay: Cậu hãy cùng với anh em Vụ Tổ chức cán bộ hết sức khẩn trương hoàn thiện Đề án để quyết tâm trong năm 1993 phải xuất bản được tờ tuần báo của ngành!

Đầu những năm 1990 sau sự kiện Đông Âu sụp đổ, việc cho ra đời thêm tờ báo mới là một điều không hề đơn giản. Đích thân ông phải có nhiều cuộc làm việc với ông Hà Đăng (Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương), ông Trần Hoàn (Bộ Trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin), ông Phan Quang (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Phan Ngọc Tường (Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ) để tranh thủ sự ủng hộ chủ trương này của Bộ…

Ngày 1/1/1993, anh Trịnh Tố Tâm – Bí thư T.Ư Đoàn chính thức nhận quyết định về làm Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và đảm nhận phụ trách khối chính sách Thương binh – Liệt sỹ và người có công với nước. Ý tưởng ra đời tờ Tuần báo của Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã được Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm bắt nhịp và "thổi hồn" để nhanh chóng trở thành hiện thực. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã chấp nhận phương án thời kỳ đầu giao phó Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm kiêm nhiệm vai trò Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Niên là người thực thi đề án.

z4633815192659_a72cf873e4dee9328baf5cb2728f23ed

Ngày 31/5/1992, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Trần Hoàn đã ký giấy phép số 639 cho phép Bộ LĐ-TB&XH được xuất bản tờ Tuần báo với tên gọi LĐ-XH, là cơ quan ngôn luận của ngành. Do có sự chuẩn bị khá công phu nên chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng bộ máy nhân sự của tòa báo Báo LĐ-XH cơ bản được thiết lập với cơ cấu Ban Biên tập gồm Tổng Biên tập Trịnh Tố Tâm; 3 Phó Tổng Biên tập là Lê Văn Minh (phụ trách tài chính), Kim Quốc Hoa (phụ trách phía Bắc), Nguyễn Ngọc Niên (phụ trách phía Nam). Sau nhiều cuộc bàn thảo kỹ lưỡng, cuối cùng lãnh đạo Bộ đã phê chuẩn phương án cho phép tờ Tuần báo được tổ chức công tác Tòa soạn và in ấn tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 21/6/1993 – đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – Bộ trưởng Trần Đình Hoan chính thức giao nhiệm vụ cho Ban Biên tập và ngay sau đó bộ máy bắt đầu khởi động ngay.

Đầu tháng 8/1993, mọi tiến trình chuẩn bị cho sự ra đời của Báo đã hoàn tất. Giờ là lúc phải chọn cho Báo một thời điểm đẹp để làm ngày chào đời. Ban biên tập đầu tiên của Báo có Anh hùng Trịnh Tố Tâm, anh Lê Văn Minh, anh Kim Quốc Hoa và tôi đều xuất thân từ người lính. Để lưu giữ một kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng, chúng tôi đã trình bày phương án lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan và Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm cho phép chọn ngày 25/8 – ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm ngày thành lập. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ. Vì lẽ đó, Báo Lao động & Xã hội đã có một ngày sinh hết sức có ý nghĩa.

Không thể nói hết một khối lượng công việc chồng chất và gay cấn trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi mấy tháng trời của thời kỳ ấy. Nhưng tất cả những gian nan, vất vả ấy đã tan biến hết chỉ sau 2 tháng được lãnh đạo Bộ chính thức giao nhiệm vụ. Đúng ngày 25/8/1993, chỉ sau một thời gian ngắn khẩn trương tổ chức vận hành, số báo đầu tiên chính thức đã ra đời và được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Trước đó, đêm 21/8/1993, số báo đầu tiên đã được in ấn xong tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 23/8 được chở máy bay ra Hà Nội. Ngày 24/8, Báo chính thức làm Lễ ra mắt tại Thủ đô Hà Nội và đúng ngày khai sinh 25/8, Báo làm Lễ ra mắt rất trọng thị tại Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh.

Sau gần 3 năm tờ báo ra đời và phát triển, năm 1996 anh Trịnh Tố Tâm được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng ủy khối kinh tế Trung ương. Lãnh đạo Bộ đã quyết định điều động tôi, Phó Tổng biên tập phụ trách Cơ quan đại diện phía Nam chuyển ra Hà Nội để bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập thay Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm.

Từ khi ra Hà Nội đảm nhận cương vị Tổng Biên tập tôi có điều kiện gần gũi với Bộ trưởng Trần Đình Hoan thường xuyên hơn. Rất hiểu công việc của báo chí nên ông cho phép tôi mỗi khi có công việc cần trình hoặc xin ý kiến thì được phép không nhất thiết phải có lịch làm việc theo nguyên tắc mà ông sẵn sàng cho gặp ngay. Vì vậy tôi đã có nhiều cuộc được tháp tùng ông đi công cán và lĩnh hội kịp thời tư tưởng, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng.

z4633815146974_b557538b2afc89ba181b9d21795f4f03

Nội việc chăm lo chính sách thời hậu chiến, tôi vẫn còn nhớ như in có lần ông đã dốc bầu tâm huyết đau đáu nói với chúng tôi rằng: "Trong lịch sử của đất nước, sau mỗi cuộc chiến tranh cha ông ta không bao giờ làm chậm như thế này. Việc ta làm chính sách chậm phải chăng vì chúng ta quá nghèo!? Chúng ta phải coi chính sách đối với người có công với nước như một món nợ, mà nợ thì phải trả, lờ đi thì có tội với lịch sử, phải làm ngay, sớm ngày nào hay ngày ấy...". Với những trăn trở như thế, từ việc nghiên cứu lý luận đến đúc kết thực tiễn, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới với trọng trách là tư lệnh của ngành, hàng loạt chính sách mới đã ra đời và nhanh chóng đi vào cuộc sống: Chương trình cải cách tiền lương - tiền công; Nghị quyết 120 về giải quyết việc làm khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường; Nghị định 176 về giải quyết lao động trong doanh nghiệp quốc doanh; Bộ luật Lao động đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam; Pháp lệnh người có công với nước; Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Chính sách mới chăm sóc thương binh gia đình liệt sỹ... Đó là những dấu ấn mang tính lịch sử trong công tác quản lý Nhà nước của ngành LĐ-TB&XH ở thời kỳ đổi mới.

Khi ông thôi làm Bộ trưởng để đảm nhiệm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ông vẫn hết sức tâm huyết với ngành LĐ-TB&XH. Ngày 25/8/1998, trong số báo kỉ niệm 5 năm ngày ra đời, ông đã dành tâm sức viết bài: “Tiến bộ và công bằng xã hội - vấn đề của toàn cầu” với kiến thức nhuần nhuyễn cả về lý luận và thực tiễn. Đại hội Đảng VIII (năm 2001) ông được bầu vào Bộ Chính trị, giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư, rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Tuy bộn bề việc đại sự quốc gia nhưng ông vẫn quan tâm tới sự phát triển của Báo LĐ-XH và mong muốn, hy vọng tờ báo ngày càng phát triển...

Báo LĐ-XH ra đời và phát triển thấm thoát đến nay đã tròn 30 năm chẵn. 30 năm là cả một sự nghiệp – sự nghiệp của Báo LĐ-XH đã góp phần vào sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng nước nhà! Tất cả những ai đã có một thời được dưỡng nuôi trong ngôi nhà ấy, đều chung một tâm nguyện hướng về ông như hướng tới một niềm tin, thiêng liêng, tự hào và bền vững. Chúng tôi, từ được sự chăm sóc của ông mà trưởng thành luôn tự nhủ lòng lòng mình hãy sống, giữ gìn đạo đức, phẩm hạnh và sự tâm huyết nghề nghiệp để không phụ lòng mong mỏi của ông - vị Bộ trưởng đã đặt nền móng cho một sự nghiệp báo chí của ngành phát triển.

Có thể nói, ngay từ khi ra đời Báo LĐ-XH đã có hàng loạt những sáng kiến và nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" của báo đã được khởi xướng và hình thành ngay từ khi tờ báo ra đời. Trước lúc ra mắt số đầu, ngày 17/8/1993, Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã quyết định thành lập "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" với tiêu chí: "Quỹ là một hoạt động xã hội, tình nghĩa. Báo LĐ&XH có trách nhiệm vận động sự quyên góp, ủng hộ của các cá nhân, các tổ chức kinh tế đoàn thể, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế nhàm mục đích trợ giúp cho các gia đình TB-LS, người có công với nước đang gặp nhiều khó khăn về phát triển sản xuất và đời sống, các thanh thiếu niên là con TB-LS có tài năng vượt khó trong học tập". Ngay trong buổi lễ ra mắt số báo đầu tiên đã có gần 50 tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đóng góp tiền của cho "Quỹ đền ơn đáp nghĩa". Những năm tiếp theo "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" của báo đã phát triển sâu rộng và trở thành một nét đẹp truyền thống. Cũng chỉ ngay sau 3 số đầu, Báo LĐ&XH đã phát động cuộc thi Phóng sự - điều tra với quy mô quốc gia và thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, bạn viết ở cả trong và ngoài nước. Những năm tiếp theo báo đã tổ chức hàng loạt các hoạt động xã hội và các cuộc thi như: Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về đề tài TB-LS"; Cuộc thi "Tìm hiểu về 30 năm ngày TB-LS"; Hội thảo "Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong cơ chế thị trường"; Cuộc thi viết về "Chân dung doanh nghiệp trên đường đổi mới"; Chương trình ca nhạc từ thiện "Dấu chân không năm tháng"... với tầm vóc quốc gia đã thực sự tạo ảnh hưởng lớn, nâng cao vị thế của tờ báo trong đời sống xã hội. Báo LĐ-XH đã được phát hành đến hầu hết tận cấp xã, phường trong cả nước, trở thành người bạn thân thiết, tin cậy của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động. Vị thế, uy tín của tờ báo nhanh chóng được khẳng định và từng bước nâng cao.