Có người nói rằng: Phần lớn phiền não trong cuộc sống, đều bắt nguồn từ việc không có tiền.
Quả thực đúng là như vậy!
Tiền quan trọng ra sao, cứ nghèo thử một lần sẽ biết
Bạn bắt đầu nhận thức ra được tầm quan trọng của tiền bạc từ khoảnh khắc nào?
Có người là khi đã lớn, dù gặp khó khăn nhưng không thể nhờ người nhà giúp đỡ;
Có người là sau khi lập gia đình, khi phải gánh vác tiền dưỡng già cho ba mẹ, rồi tiền học cho con;
Có người là sau khi người nhà bị bệnh nặng, cần một số tiền lớn để chữa trị…
Có một người từng chia sẻ rằng, cậu ấy vì không có được mấy trăm triệu mà đã phải đứng trước nguy cơ chia tay bạn gái.
H. và bạn gái quen nhau được hơn 2 năm, hai người cũng đã tính tới chuyện kết hôn, tuy nhiên, ba mẹ của bạn gái lại ra điều kiện với cậu rằng: Sính lễ có thể không cần, nhưng kết hôn thì phải có nhà. Không cần phải trả hết một lượt, nhưng phải trả được tiền đợt đầu.
Cứ như vậy, mấy trăm triệu bạc trở thành trở ngại trong mối quan hệ giữa hai người.
Nghe có vẻ rất tàn khốc, nhưng tình yêu của người trưởng thành, quả thực không thể tránh xa khỏi những yếu tố hiện thực xã hội.
Không chỉ đơn giản là câu nói "anh yêu em", cũng không phải chỉ một lời hứa đơn giản mà có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ.
Tiền, không mua được tình yêu, nhưng nó lại hoàn toàn có thể đánh bại một mối nhân duyên.
Người ta thường nói:
Con người ta vội vội vàng vàng, lắng lắng lo lo, tất cả cũng chỉ vì một vài đồng bạc, và cũng chính vài đồng bạc này, lại có thể hóa giải được mọi sự lắng lo trên đời.
Dũng khí, tự trọng của người trưởng thành, đều là tiền cho. Sự bé nhỏ, tự ti của người trưởng thành, cũng đều là vì thiếu tiền mà ra.
Vì muốn lấy được vợ, H. chạy vạy khắp nơi vay tiền.
Vài năm trước, chính H. còn luôn đinh ninh trong mình quan điểm: chỉ dựa vào tiết kiệm tiền không thôi, sẽ không thể có được cuộc sống mà mình mong muốn.
Bởi lẽ anh luôn cho rằng dù có cố gắng ra sao, mình cũng chẳng bao giờ có thể mua được một căn nhà, vì vậy, đắm mình vào những ngày thánh "nay có rượu nay say đã."
Cũng giống như một vài năm trở lại đây, có rất nhiều người ca ngợi bài ca "cuộc sống sang chảnh", hay "tiền không phải tiết kiệm mà ra, là kiếm mà ra", "tiết kiệm là tư duy của kẻ nghèo, tiêu dùng mới là tư duy của người giàu."
Thực sự là như vậy ư?
Tiết kiệm là thói quen không bao giờ lỗi thời
Cuối tuần nọ, trong lúc đang đi siêu thị, tôi gặp được một đôi vợ chồng trung niên.
Người vợ loanh quanh ở khu rau quả, cuối cùng bỏ quả dưa hấu mà mình thấy ưng ý xuống, rồi nói với người chồng: "Hay là ra chợ mua đi, hoa quả ở đấy rẻ hơn."
Cặp vợ chồng vừa đi khỏi, một cô gái trẻ đứng cạnh đã nói với bạn mình rằng: "Có mấy nghìn lẻ, vậy cũng tiếc? Sau này tôi sẽ không sống như vậy đâu."
Khi còn trẻ, chúng ta thường chê cười người lớn keo kiệt, vì cơm áo gạo tiền, vì tiền điện tiền nước…
Càng lớn rồi mới càng hiểu:
Chúng ta đều là người bình thường, vì muốn sống cuộc sống mà mình muốn, vì một mục tiêu nào đó, ai cũng phải học cách tiết kiệm, cách giữ tiền.
Kể với các bạn một câu chuyện có thật.
Dì của tôi khi mới tốt nghiệp, mỗi tháng cầm được đồng lương không quá 10 triệu.
Dì làm về mảng xuất nhập khẩu, khi chốt được đơn hàng, dì cũng chỉ được một chút hoa hồng, vì vậy, dì sớm đã có ý định tách ra làm riêng.
Muốn khởi nghiệp, luôn phải có vốn phải không? Khi đó, điều kiện gia đình không khá giả, không ai có thể cho dì ấy vay.
Dì ép mình mỗi tháng phải tiết kiệm được một nửa tiền lương, vì tiết kiệm, dì đã "keo kiệt" tới mức nào?
Mỗi ngày 6h ngủ dậy nấu cơm, tiết kiệm tiền ăn sáng và ăn trưa; mỗi tối 8h đợi mua đồ giảm giá ở siêu thị, không mua bộ quần áo quá 300 ngàn, mua hàng trên mạng luôn phải so sánh giá cả thật kĩ lưỡng…
Cứ như vậy tích lũy từng chút một, 3 năm sau khi tốt nghiệp, dì tiết kiệm được gần 200 triệu đầu tiên trong cuộc đời mình.
Dùng số tiền mình tự tiết kiệm được và các mối quan hệ tích lũy được trong mấy năm, dì tự tách ra ngoài làm riêng.
Trên mạng có câu nói như này:
Tiết kiệm tiền, chuyện này nghe có vẻ rất quê mùa, rất đơn điệu, nhưng nó lại quả thực rất có ích.
Lặp đi lặp lại một cách nghiêm túc bất kì một việc đơn điệu nào bạn cũng sẽ có thể đạt được một kết quả phi thường.
Bản tính của con người là thích hưởng thụ và buông thả, đồng thời cũng ghét phải chịu khổ hay sự kiểm soát.
Mỗi một người có thể tiết kiệm tiền đều là những người chiến thắng cuối cùng, những người có thể chiến đấu chống lại bản năng, ham muốn của tiêu dùng và những cám dỗ giữa một đám đông có tư tưởng trái ngược mình.
Nhiều khi, bạn không thể không thừa nhận rằng, rất nhiều sự giàu có mà bạn ngưỡng mộ, đều là dựa vào sự tích lũy từng chút, từng chút một trước đó mà ra.
Dù quá trình rất khó khăn, nhưng chân tướng cuộc sống của người trưởng thành lại chính là như vậy, khổ phải chịu hãy chịu, tiền nên tiết kiệm hãy tiết kiệm.
Có tiền tiết kiệm, bạn mới có thể làm việc mình muốn, hoàn thành mục tiêu mà mình ước mơ.
Từ bỏ những tiêu dùng vô ích, tiêu tiền cho những việc ý nghĩa
Tâm lý học có một cụm từ gọi là "kiểm soát ham muốn".
"Kiểm soát ham muốn", nói đơn giản thì chính là "nhẫn nhịn".
Để theo đuổi mục tiêu lớn hơn, được hưởng thụ một điều gì đó lớn lao hơn, sung sướng hơn, bạn có thể kiểm soát ham muốn của mình, tránh xa những cám dỗ trước mắt.
"Kiểm soát ham muốn", không chỉ đơn thuần là học cách đợi, cũng không phải là luôn luôn phải kiềm chế mong muốn của bản thân.
Nó là một kiểu năng lực khắc phục những khó khăn trước mắt để mưu cầu một mục tiêu to lớn hơn.
Cũng giống như tiết kiệm tiền, bạn phải từ bỏ mong muốn tiêu dùng vô ích của mình, khống chế cảm giác vui vẻ khi tiêu tiền, đem số tiền có hạn của mình đầu tư cho những việc ý nghĩa hơn.
Tiết kiệm tiền không phải là không nỡ tiêu, hay làm một kẻ bủn xỉn suốt ngày khư khư giữ tiền, mà là phải biết lúc nào nên tiêu, lúc nào không nên tiêu.
Đối với M. mà nói, kiếm tiền, mục tiêu cuối cùng chính là để đầu tư cho bản thân, để có lại được sự hồi đáp lớn hơn.
Cô ấy không nỡ bỏ tiền triệu ra mua một cây son, một chai nước hoa bé xíu, hay một lọ kem dưỡng, nhưng lại không hề do dự bỏ ra hàng triệu bạc đăng kí các lớp học kĩ năng.
26 tuổi, bất chấp gia đình phản đối, cô ấy đăng kí học MBA 3 năm ở một trường đại học.
Đi làm mấy năm trời tiết kiệm được hơn 200 triệu, nhưng vì đi học mà cuối cùng lại trở thành kẻ trắng tay.
Đáng không?
Trông thì có vẻ như chỉ là bằng cấp, nhưng cũng chính nhờ cơ hội đi học ấy mà cô ấy học được nhiều kiến thức chuyên ngành hay hệ thống hơn, và cũng tích lũy được cho mình rất nhiều mối quan hệ hay nguồn lực.
Sau này, cô ấy apply cho một doanh nghiệp nước ngoài nổi tiếng và ngay lập tức được nhận.
Đầu tư hơn 200 triệu, 3 năm sau, lương năm của cô ấy tăng gấp 3 lần.
Những người từng phản đối cô ấy, đều đã bắt đầu hiểu được "sự ương bướng" của cô ấy khi xưa.
Có người từng nói: tiền nên tiêu thì dù có bạc tỷ cũng vẫn phải tiêu; tiền không nên tiêu, dù một ngàn cũng phải tiết kiệm.
Từ bỏ những tiêu dùng không cần thiết, là để tiêu tiền ở nơi ý nghĩa hơn.
Học hỏi những tri thức chưa biết, rèn luyện những kĩ năng còn thiếu.
Làm quen với một thế giới xa lạ, kết bạn với những người giỏi giang hơn.
Đầu tư cho tương lai, bắt buộc phải tiêu;
Hưởng thụ hiện tại, tiêu có chọn lọc;
Vui chơi giải trí đơn thuần, bớt tiêu lại.
Lãng phí thời gian, sức lực, đừng tiêu.
Có người từng nói như này:
"Tôi quang minh chính đại làm người, nghiêm túc nỗ lực làm việc, tất cả là để khi đứng cạnh người mình yêu, bất kể anh ấy có giàu có hay nghèo khó, tôi đều có thể dang hai tay ra để ôm lấy anh ấy.
Anh ấy giàu có, tôi sẽ không cảm thấy mình là kẻ "với cao", anh ấy nghèo khó, chúng tôi cũng sẽ không rơi vào hoàn cảnh khó khăn."
Tiền, có thể không thể chống chọi lại được với những xui xẻo bất ngờ ập tới, nhưng có tiền tiết kiệm, cảm giác an toàn bên trong nội tâm và cả sự tự tin sẽ nhiều hơn một chút.
Bởi lẽ khi có tiền, bạn mới có thể thảnh thơi đón nhận lấy những cơ hội có một không hai.
Đừng xem thường mỗi một ngàn đồng trong tài khoản tiết kiệm.
Bạn cần phải tin rằng, năm tháng mang một nguồn sức mạnh âm thầm.
Nếu đùng một cái trở nên giàu có là điều không dễ dàng, vậy thì cứ từ từ, từ từ mà tích lũy là được.
Lương tháng năm nay cao hơn năm trước một chút, tiền tiết kiệm của năm sau nhiều hơn năm nay một chút.
Một cuộc đời đáng tự hào, không phải là bạn mua được bao nhiêu món đồ đắt đỏ, mà là khi sóng gió ập tới, bạn luôn có thể bình thản ứng phó.