Theo tờ The Time, nhờ những thông tin hữu ích này, vào ngày 4/7 vừa qua, 23 tên tội phạm đã bị bắt giữ và cảnh sát đã tịch thu được 526.000 euro tiền mặt tại một cửa hàng nước hoa ở Rome, nơi bọn buôn người sử dụng như một cứ điểm để lưu chuyển tiền.
Những kẻ bị bắt thú nhận đã bán nội tạng của hàng nghìn người không sống sót được trong hành trình vượt biển đầy gian nan cho các tổ chức buôn lậu khác - chủ yếu là những nhóm buôn lậu của Ai Cập - với giá là 15.000 USD/người.
Một chiếc thuyền chở người di cư trong tình trạng quá tải.
Chúng "thu hoạch" nội tạng và đặt trong những cái túi giữ nhiệt. Tàn nhẫn hơn, những người tị nạn, kể cả trẻ em nếu như không có đủ tiền để trả cho các chủ thuyền cũng sẽ bị giết để lấy nội tạng. Nuredein Wehabrebi Atta, người có công lớn trong vụ án lần này, đang thi hành bản án 5 năm tù giam vì tội hoạt động trái phép cho tổ chức buôn bán người di cư vượt biên bất hợp pháp trong một nhà tù ở Italia.
Ông cho biết, ông đã rất sốc về những cái chết thảm của những người di cư tìm cách vượt biển tới châu Âu, đặc biệt là vụ 360 người thiệt mạng do chìm thuyền ở Lampedusa, mặc dù ông không tham gia vào vụ việc này nhưng khi chứng kiến thảm cảnh, ông cảm thấy cắn rứt và muốn tự thú về hành động sai trái của mình.
Ông nói với cảnh sát: "Những cái chết mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ mà thôi, còn rất nhiều cái chết thương tâm trên thực tế mà chúng ta không nhìn thấy được. Chỉ riêng tại Eritrea thôi, trong 10 gia đình thì đã có tới 8 gia đình có người thân gặp nạn".
Một cảnh sát Italia có tên là Palermo cho biết, ông Nuredein Wehabrebi Atta bị bắt từ năm 2014 và đã hợp tác với cơ quan an ninh, cung cấp những thông tin rất hữu ích để phía cảnh sát lần đầu tiên hình dung ra được toàn bộ hoạt động buôn bán người di cư trái phép của bọn tội phạm ở Bắc Phi và Italia.
Được biết, chính lời khai của ông Nuredein Wehabrebi đã giúp cho cảnh sát Italia phá vỡ được một mạng lưới vượt biên xuyên quốc gia, theo đó có 38 người bị bắt vì có liên quan, bao gồm 25 người Eritrea, 12 người Ethiophia và 1 người Italia. Sự vụ lần này có thể được coi là may mắn, khi những người tị nạn được cứu sống. Tuy nhiên, số người chết trong những trường hợp tương tự cũng rất nhiều.
Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hơn 220.000 người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải trong nửa đầu năm nay và có đến 67.538 người đã chọn Italia làm điểm đến, trong khi đó chỉ có 8.049 người di cư đến châu Âu bằng đường bộ. Trong bản báo cáo được đưa ra tuần trước, Bộ nội vụ Italia cũng cho biết, hơn 70.000 người đã đến nước này bằng đường thủy trong vòng 6 tháng đầu năm, gần bằng con số cùng kỳ năm ngoái và cao hơn một chút so với năm 2014.
Những bằng chứng ghê rợn phanh phui tội ác của bọn buôn lậu người di cư đã được đưa ra toàn thế giới khi báo Komsomolskaya Pravda của Nga công bố kết quả một cuộc điều tra với nhiều tình tiết kinh hoàng về số phận của những người di cư chạy trốn bạo lực ở Trung Đông.
Tờ báo dẫn lời các ngư dân Hy Lạp cho biết, những xác chết biến dạng mà họ vớt được trên biển rất có thể là thi thể của những người tị nạn không may bị mắc kẹt trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bị lừa vào đường dây đưa người di cư đến châu Âu, và cuối cùng đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Họ đã bị lấy cắp nội tạng và thi thể bị ném xuống biển Địa Trung Hải nhằm mục đích phi tang.
"Chúng tôi tận mắt nhìn thấy thi thể của trẻ em và người lớn có vết khâu ở bụng. Họ bị mổ bụng moi nội tạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó bọn tội phạm vứt xác họ xuống vùng biển quốc tế, hy vọng cá và muối hoàn thành nốt công việc bẩn thỉu", một ngư dân từ đảo Lesbos của Hy Lạp cách Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 6,5km nói.
Cuối tháng 12/2015, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một công dân Israel (sinh ra tại Ukraine) tên là Boris Walker (tên thật Wolfman), liên quan tới hoạt động mua bán nội tạng người tị nạn Syria. Wolfman đã tiến hành lấy nội tạng trong các phòng khám tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc điều tra cho thấy, Wolfman bị Interpol truy nã từ lâu với tội danh buôn bán nội tạng, tổ chức cấy ghép bất hợp pháp ở Kosovo, Azerbaijan và Sri Lanka trong những năm 2008-2014 với thu nhập lên tới 70.000-100.000 euro/cơ thể người.
Theo tờ Newsweek của Mỹ, 18.000 người tị nạn Syria đã bị bán nội tạng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 1 năm nay, Interpol đã choáng váng với con số thống kê khổng lồ: 10.000 trẻ em tị nạn đã mất tích ở châu Âu và sau một vài tháng, con số này tăng lên tới 12.000. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em tị nạn khác cũng đã và đang trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người, bị bán làm nô lệ. Nhiều trẻ em trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bán làm con nuôi với giá 1000 USD/người.
Mùa thu và mùa đông năm ngoái là một cơn ác mộng đối với ngư dân đảo Lesbos, khi hàng trăm xác chết của những người di cư dạt vào hòn đảo nhỏ bé này. Những thi thể của người tị nạn, cả trẻ em và người lớn, không có chỗ chôn vì đơn giản trên đảo không có nhiều đất.
Đỉnh điểm, có đợt người dân trên đảo phải gom 120 thi thể người di cư bỏ vào một chiếc container và chờ đợi 2 tuần mới có chỗ để chôn. Có hàng ngàn người tị nạn đổ lên hòn đảo nhỏ bé này mỗi ngày, rất nhiều người trong số họ bị thương. Trong cái nắng khủng khiếp của mùa hè, tình trạng thiếu bác sĩ và thiết bị y tế trên đảo càng trở nên tồi tệ hơn.
Một ngư dân nói với Komsomolskaya Pravda rằng ông đã nhìn thấy 1 em bé với một bên mắt bị khoét và người ta nói với ông rằng em bé này bị cá cắn. Tại Serbia, trên tuyến đường người tị nạn đến châu Âu, cảnh sát đã tìm thấy trong rừng nhiều em bé ốm yếu và sợ hãi, không thể cho biết tên tuổi của mình. Những đứa trẻ này được cho là đã bị cha mẹ chúng bỏ rơi trên đường di cư.
Trong hành trình chạy trốn bạo lực và chiến tranh, nhiều người di cư từ Syria và các nước Trung Đông khác đã không thể lường hết được những rủi ro và hiểm nguy không kém gì súng đạn mà họ phải đối mặt ở quê nhà.
Theo Sputniknew ngày 17/6, một báo cáo của Bộ Nội vụ Đức hồi cuối tháng 2 cho biết, hơn 130.000 người di cư đã mất tích trong năm 2015 trên đường tị nạn. Còn có bao nhiêu người biến mất khi bước vào hành trình di cư nguy hiểm từ quê hương của mình, không ai có thể thống kê chính xác.
Chết chóc là một trong vô số những tai nạn người di cư phải đối mặt trên con đường tìm tới "miền đất hứa" châu Âu. Trong khi đó, người "trục lợi" duy nhất chính là các tổ chức tội phạm đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu. Dư luận cho rằng, việc các nước thuộc EU chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra cơ hội vàng để các tổ chức khủng bố và tội phạm "đục nước béo cò".
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), tính riêng trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu. Năm 2015, 90% những người tị nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ nói trên, với chi phí mỗi chuyến vượt biên có giá khoảng 3.200- 6.500 USD.
Hơn 50% trong số 1.500 người vượt biên được hỏi cho biết đã trả khoản chi phí này bằng tiền mặt và khoảng 16% các trường hợp thanh toán khác được chính các thành viên gia đình người tị nạn đã tới châu Âu trước đó chi trả.
Báo cáo của Europol và Interpol cho biết, các đường dây đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu thường do các tổ chức tội phạm từng dính vào các hoạt động buôn bán ma túy cầm đầu và lợi nhuận chúng kiếm được từ dịch vụ này là rất lớn.
Để hợp pháp hóa những khoản "tiền bẩn" khổng lồ thu được, bọn buôn người sử dụng hình thức chuyển tiền qua biên giới bằng cả đường bộ và hàng không, sau đó chúng lại tìm cách "rửa" các khoản tiền trên thông qua các cửa hàng bán thực phẩm khô, các nhà hàng ăn hay các doanh nghiệp vận tải…
Điều đáng lo ngại là các nhóm tội phạm buôn người vào châu Âu vẫn đang làm ăn phát đạt trong năm 2016 này.
Việc các quốc gia châu Âu lúng túng trong khi xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư đã và đang tạo ra những "mảnh đất màu mỡ" cho dịch vụ trung chuyển người vượt biên bất hợp pháp. Thống kê của Europol và Interpol cho thấy, trong năm 2015, hơn một triệu người di cư đã tới châu Âu và năm 2016, con số này dự kiến sẽ còn cao hơn. Một trong những thị trường sôi động nhất của các tổ chức vận chuyển người tỵ nạn là Libya.
Theo Europol, tại nước này hiện có khoảng 800.000 người tị nạn đang chờ cơ hội để vượt biển sang EU, bất chấp nguy hiểm tính mạng. Đây sẽ là một "cơ hội vàng" dành cho những tổ chức tội phạm và đặc biệt là những tổ chức buôn bán nội tạng người khi mà chỉ trong nửa đầu năm nay, cả thế giới đã ghi nhận ít nhất là 3 vụ án liên quan đến việc người di cư bị giết để lấy nội tạng.