Vụ án bạo hành con chồng đến tử vong là hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ nên quan tâm đến con mình hơn dù đã li hôn với nhau. Thời gian qua, bao nhiêu vụ bạo hành dẫn đến tử vong đã xảy ra như tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 17/9 đã tạm giữ hình sự Lê Thành Công, 43 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, để làm rõ cái chết của con gái 6 tuổi, nghi bị bạo hành. Lê Thành Công thừa nhận đã đánh con 5 tiếng trước khi nạn nhân tử vong vào chiều 16/9. Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bé gái tử vong ngoại viện, trên cơ thể có dấu hiệu bị bạo hành.
Đây không phải lần đầu tại Hà Nội xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, dẫn đến nhiều trẻ thiệt mạng thương tâm. Cách đây một năm, bé gái N.N.M.M. (sinh năm 2017) qua đời sau khi bị mẹ và cha dượng đánh đập, bạo hành liên tục trong 2 ngày.
Tháng 2/2021, bé gái N.H.B., 12 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục gây xôn xao dư luận.
Một vụ bạo hành khác xảy ra tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, Bình Dương. Người đàn ông tên Lê Hoài Nam (29 tuổi, thường trú tại Q.8, TP.HCM) đã liên tục chửi bới, đánh vào đầu, tát, đạp, thậm chí nhiều lần nhấc bổng em bé mới 5 tuổi (con riêng của người tình) lên cao và đập xuống nệm trước sự bất lực của người mẹ.
Trong video dài khoảng 4 phút được đăng tải trên mạng xã hội, người đàn ông liên tục đánh bé trong tình trạng em bé không mặc quần áo. Mặc dù em bé liên tục gọi "ba" nhưng người đàn ông này không hề dừng tay mà còn đánh mạnh hơn. Mặc dù có một người phụ nữ xuất hiện trong video được em bé gọi là mẹ, nói "con bảo vệ mẹ không mẹ chết" nhưng khi em bé bị người đàn ông đánh suốt nhiều phút, người mẹ không can thiệp mà đứng nép về phía nhà vệ sinh.
Đỉnh điểm là vụ bạo hành mới xảy ra tại TP.HCM, khoảng 19 giờ ngày 22/12, Công an phường 22, Q. Bình Thạnh nhận được tin báo từ một bệnh viện về việc vưa tiếp nhận một cháu bé tử vong, trên thân thể bé có dấu hiệu bị bạo hành trong thời gian dài. Ngay lập tức Ban chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Quá trình điều tra xác định nạn nhân là cháu N.T.V.A (8 tuổi) là con ruột của chị N.T.H và anh N.K.T.T. Năm 2020, chị H và T. ly hôn. Tòa phân xử chị H. nuôi con trai út, còn cháu V.A ở với cha.
Sau khi ly hôn, T và người tình là Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã thuê căn hộ tại chung cư Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh) để sống chung. Trang khai nhận khoảng tháng 9-2021 khi cháu V.A bắt đầu học online, Trang được người tình giao nhiệm vụ kèm cháu V.A học.
Công an Q.Bình Thạnh cho biết, tại Cơ quan công an, ba của cháu V.A là N.K.T.T khai nhận có biết việc người tình dùng roi mây và thanh gỗ đánh đập con mình, biết các vết bầm tím trên người của con gái nhưng người này không có hành động can ngăn.
Trang khai nhận, vào sáng 22-12, cháu V.A có lịch học online từ 7 giờ đến 11 giờ. Sau đó, Trang nấu phở cho cháu ăn và cho uống 3 hộp sữa. Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, Trang tiếp tục kèm cháu V.A học. Sau đó, “nữ quái” này dùng cây gỗ đánh đánh cháu bé nhiều lần trong khoảng 30 phút.
Đến khoảng 18 giờ, cháu V.A có biểu hiện mệt nên vào phòng nằm nghỉ. Một lúc sau Trang vào kiểm tra phát hiện cháu V.A ói và tình trạng yếu nên gọi cho N.K.T.T về. Lúc này, T. cũng vừa đi làm về đến chung cư nên gọi cấp cứu đưa cháu bé đến bệnh viện nhưng cháu không qua khỏi.
Cũng theo Công an quận Bình Thạnh, kết quả pháp y xác định bé gái bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Công an xác định Trang có dấu hiệu bạo hành bé V.A nên ra quyết định bắt khẩn cấp. Đến nay, cơ quan điều tra xác định Trang có dấu hiệu phạm tội nên khởi tố, bắt tạm giam.
Công an Q.Bình Thạnh cũng khuyến cáo hiện vẫn còn tình trạng một số phụ huynh dạy dỗ còn bằng bạo lực, roi vọt. Hành vi này nếu nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người dân nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu bạo hành trẻ em thì báo ngay cho công an, chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời, tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc.
Những ngày qua, ai cũng rất bức xúc, phẫn nộ trước việc bé A. bị "dì ghẻ" hành hạ, đánh đập từ tháng 9/2020 đến nay nhưng không có sự can thiệp nào của người thân cũng như cơ quan chức năng.
Theo lời kể của anh B. sinh sống ngay dưới căn hộ của gia đình bé A., từ tháng 9/2020, anh đã nghe tiếng ồn ào, la hét ở căn hộ tầng trên. Do vợ chồng anh có nuôi chó và rất yêu quý động vật nên lúc đầu cứ nghĩ rằng gia đình phía trên đang đánh, la mắng chó.
"Vợ tôi phản ánh với bảo vệ của tòa nhà, bảo vệ nói đó không phải đánh chó, mà là đánh con. Lúc nghe vậy, tôi cũng bức xúc lắm, tôi hỏi sao các anh không lên xem sao và can thiệp thì họ nói các gia đình xung quanh cũng phản ánh rất nhiều và đã lên can thiệp rồi. Sau đó, tôi mới biết vợ đó là vợ thứ hai của bố cháu bé", anh B.nói.
Theo anh B., trong giai đoạn dịch ở TP.HCM bùng phát, vợ chồng anh làm việc tại nhà nên ngày nào, tuần nào cũng nghe tiếng ầm ầm, tiếng la hét ở trên nhà bé A.
"Ban ngày cũng có, ban đêm cũng có, trước khi đi ngủ cũng có. Lúc đó tôi cũng nghĩ vợ chồng cãi nhau hay gì thôi, nhưng sau mới biết là đánh bé. Cái kiểu chửi và đánh nó quen thuộc đến nỗi tôi nghe là biết liền. Nó nhiều đến mức như vậy luôn", anh B. kể.
Hôm xảy ra sự việc bé gái tử vong, vợ chồng anh B. đang có mặt tại nhà, lúc đó vợ anh B. đang giặt và phơi quần áo ngoài ban công.
"Vợ tôi chạy vô nói trên nhà có chuyện gì rồi. Hai vợ chồng chạy ra và nghe bà vợ nhà trên nói "con bé hình như nó không thở nữa rồi, gọi cấp cứu đi". Tôi nói vợ tôi phải gọi cho mấy anh bảo vệ ở dưới, họ trả lời trước đó khoảng 2 phút cũng có người gọi rồi. Lúc vợ chồng tôi xuống, bé đã được đưa đi, hỏi mấy anh bảo vệ, các anh bảo lúc đưa bé đi đã yếu lắm rồi", anh B. thuật lại.
Cư dân tại chung cư này cũng bức xúc với cách xử lý của Ban quản lý tại đây. Họ cho rằng, trước đã phản ánh việc bé gái bị đánh đập nhiều lần, nhưng sự việc không được Ban quản lý giải quyết triệt để đến hôm nay thì xảy ra sự việc đau lòng.
"Mình không can thiệt được thì cũng phải gọi công an khu vực hoặc cơ quan bảo vệ trẻ em chứ. Nhưng Ban quản lý không làm mà tự giải quyết. Đây là mạng người và lại là trẻ em mà không được bảo vệ", một cư dân bức xúc nói.
Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại sức khỏe mà còn cả về tinh thần của trẻ em. Theo quy định tại điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Đối với trẻ em, chúng ta phải hết sức chú ý lời nói và hành động.
Dù không đánh vào cơ thể trẻ, nhưng có lời nói xúc phạm, mắng chửi, đe dọa,... cũng khiến trẻ phát triển không bình thường. Nếu trẻ bị sang chấn tâm lý, sẽ để lại hậu quả lâu dài. Vết đau cơ thể theo thời gian sẽ dần phục hồi, nhưng thần kinh của trẻ mỗi khi bị tác động, sẽ dần mai một.