Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy: Cần quan tâm xây dựng chương trình tổng thể về dự phòng và cai nghiện ma túy

 
Để làm rõ hơn về quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH). 

PV: Thưa Cục trưởng, xin ông cho biết tình hình tệ nạn ma túy tại Việt Nam hiện nay? 
 
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều vụ bắt giữ lên tới cả tấn ma túy, trong đó, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, có những chất mà ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể bị hoang tưởng, ảo giác, loạn thần, mất khả năng kiểm soát hành vi, dẫn tới tự sát, giết người.
 
Tính đến 15/12/2019, cả nước có 246.500 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: 38.244 người đang cai nghiện bắt buộc trong các cơ sở CNMT; gần 80% có sử dụng ATS và chất hướng thần mới. Đặc biệt, tại một số địa phương, tỷ lệ người nghiện sử dụng ATS và chất hướng thần rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7%). 
 

 

 
Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập. Ảnh T.Vân
 
PV: Trước thực trạng trên, công tác phòng, chống và CNMT của nước ta đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn có quan điểm phải đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chưa thống nhất về quan điểm giữa người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. 
 
Hiện, các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; công tác CNMT tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, do người nghiện và gia đình họ không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác với chính quyền; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện tại cộng đồng; cán bộ Tổ công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, chưa được tập huấn, đào tạo bài bản. 

Công tác dự phòng nghiện ở nước ta trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào, thưa ông? 

- Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Dự phòng nghiện là hoạt động phòng ngừa; cai nghiện là hoạt động khắc phục hậu quả của nghiện ma túy. Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa với rất nhiều hoạt động mang tính chất “dự phòng nghiện” như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức đa dạng khác (pano, apphich, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mittinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…). Đặc biệt, có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên (HSSV), người lao động, bà con vùng biên giới…
 
Đồng thời, để hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người có nguy cơ cao, không mắc nghiện ma túy, nhiều địa phương đã lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội, phân công đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, những người có uy tín trong cộng đồng như cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, trưởng tộc khuyên nhủ, kèm cặp… góp phần giảm nguy cơ nghiện ma túy, giảm áp lực cho công tác điều trị, cai nghiện.
 
Tuy nhiên, chúng ta chưa có một chương trình tổng thể, một chiến lược dự phòng nghiện. Công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn; cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động can thiệp đa dạng: giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc, hệ thống dịch vụ dự phòng…

Việc xây dựng và triển khai chương trình dự phòng và cai nghiện có thể coi là một công việc cấp bách hiện nay không, thưa ông?

- Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Dự phòng nghiện là chương trình lớn của phòng, chống ma túy, là công việc khoa học, công phu, bài bản, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường đại học, người làm chính sách và người trực tiếp làm công tác phòng chống ma túy, đồng thời, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động đến từng gia đình, từng học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, với nhiều hoạt động đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện. 
 
Việc xây dựng và triển khai chương trình Dự phòng nghiện có thể coi là một công việc cấp bách hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật về Dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế và đề xuất Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy theo hướng sửa đổi Chương cai nghiện và bổ sung nội dung dự phòng nghiện ma túy. Các việc cần làm là: Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu; Triển khai thí điểm mô hình; Xây dựng cơ chế, chính sách; Chuẩn bị các nguồn lực; Đào tạo giảng viên và cán bộ dự phòng; Phát triển tổng thể chương trình...
 
- Ông có thể cho biết, quan điểm sửa đổi pháp luật về ma túy cụ thể như thế nào?
 
- Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Qua khảo sát thực tiễn, đánh giá pháp luật, công tác thi hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy và pháp luật liên quan, đồng thời bám sát những nội dung cơ bản đã được định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, như sau:
 
Thứ nhất, cần phân biệt khái niệm: “hành vi sử dụng ma túy” và “tình trạng nghiện ma tuý”. “Hành vi nghiện ma túy” được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khái niệm “tội phạm ma túy” và “tình trạng nghiện ma túy” quy định tại Khoản 8, Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy (năm 2008). Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp can thiệp phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
 
Theo định nghĩa, nghiện ma tuý là tình trạng “người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”. Như vậy, tình trạng nghiện là tình trạng sinh lý của cơ thể, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới là vi phạm pháp luật.
 
Thứ hai, nghiện ma túy là quá trình sử dụng chất ma túy, can thiệp sớm bằng biện pháp giáo dục hành vi giúp người sử dụng trái phép chất ma túy nâng cao nhận thức, từ bỏ hành vi sử dụng ma túy và là biện pháp dự phòng nghiện hiệu quả.
 
Thứ ba, can thiệp dự phòng nghiện ma túy và CNMT có mối quan hệ mật thiết, hoạt động có tính chuyên môn kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ được chuyên nghiệp hóa và là một dịch vụ công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
 
Cụ thể, trong Chương CNMT, đề nghị sửa thành “Can thiệp dự phòng nghiện ma túy và CNMT”, trong đó, mục can thiệp dự phòng nghiện ma túy cần quy định rõ đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên, với các biện pháp, gồm: (1) Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình; (2) Can thiệp chỉ định, tức là bắt buộc tham gia chương trình. Đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền quyết định bắt buộc tham gia chương trình được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 
Về mục điều trị, CNMT cần quy định cụ thể đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên, với các biện pháp: (a) Cai nghiện tự nguyện; (b) Cai nghiện bắt buộc. Đối tượng, trình tự, thủ tục lập hồ sơ và thẩm quyền quyết định được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 
Tổ chức thực hiện: Thông qua việc cung cấp các dịch vụ CNMT. Chính phủ quy định điều kiện cơ sở cung cấp dịch vụ CNMT; Bộ LĐTBXH ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá dịch vụ công.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
 

Thảo Vân/GĐTE