Có những trẻ chỉ đọc được truyện tranh, không thể đọc truyện chữ
Cô con gái lớp 5 suốt ngày cắm đầu đọc truyện tranh Conan, Doreamon, Mật ngữ 12 chòm sao… trong khi sách văn học mẹ mua về bỏ xó, bám bụi khiến chị Hòa rất bực mình. Nhất là khi văn con viết lủng củng, không rõ ý thì chị nhất định “đóng gói”, “cấm cửa” truyện tranh mặc dù con nước mắt ngắn dài xin giữ lại một vài quyển.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình rèn luyện thói quen đọc sách nhưng khi thấy trẻ đọc truyện tranh, giống chị Hòa - nhiều phụ huynh cho rằng “đây không tính là đọc”. Nhiều người không thích với truyện tranh, cho “truyện tranh là vô bổ”, “là con sâu đục khoét tâm hồn”, và kiên quyết nói không với thể loại sách này.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận sức hút của truyện tranh, đa số trẻ em đều thích đọc truyện tranh và tuổi thơ ai cũng từng mê mẩn vài bộ truyện. Nhà văn Di Li cho rằng, quan niệm truyện chữ tốt hơn truyện tranh là một hiểu lầm khá phổ biến. Theo nữ nhà văn, mỗi người có thể tiếp thụ qua một phương pháp khác nhau. Có người tiếp thu rất tốt qua phương pháp đọc và có thể tự học, có người tiếp thụ qua phương pháp nghe và có người tiếp thụ qua phương pháp có hình ảnh trực quan sinh động. Ðó là lý do khiến có những trẻ chỉ đọc được truyện tranh mà không thể đọc truyện chữ. Bởi nếu đọc truyện chữ trẻ phải có óc tưởng tượng. Nhưng có những trẻ không thể tưởng tượng được hình ảnh qua con chữ. Cho nên chúng ta không thể áp dụng máy móc trẻ nào cũng giống như nhau. Và cũng đừng so sánh tại sao đứa trẻ này đọc truyện chữ mà con mình hay đứa trẻ khác chỉ đọc truyện tranh… miễn là các cháu thích đọc, truyện tranh hay truyện chữ cũng tốt.
Truyện tranh không chỉ là giải trí
Các nhà nghiên cứu tin rằng, đọc truyện tranh rất có lợi cho tư duy trẻ. Như là một phiên bản đơn giản hóa – việc đọc truyện tranh sẽ rất đơn giản, không phức tạp như trong các cuốn sách nhiều chữ, ít hình. Quá trình liên tục theo dõi từng tập truyện cũng giúp các nơ-ron được kích thích và tạo kết nối. Theo nghiên cứu của giáo sư Dale Jacobs (2007) - Ðại học Windsor (Anh), não sẽ xử lý nhiều hơn để hiểu nội dung câu chuyện qua từng khung tranh với nhiều hình ảnh, phối cảnh không gian và câu chữ khác nhau. Càng dùng nhiều chức năng phân tích, tổng hợp cùng lúc, các liên kết nơ-ron thần kinh càng được hình thành nhiều hơn, khiến cho khả năng xử lý và liên kết thông tin của trẻ càng thêm nhạy bén. Vì thế, việc chọn lọc truyện tranh có nội dung tốt và phù hợp là bước đầu tiên để giúp trẻ phát triển tư duy.
Ðặc trưng của truyện tranh là hình ảnh sóng đôi với chữ trong từng ô truyện, từng trang truyện. Trẻ em mới tập đọc chắc chắn sẽ gặp phải những từ mà các em chưa biết, nhờ có hình ảnh sinh động đi kèm, trẻ có thể dễ dàng đoán được ý nghĩa của các từ mới. Ðây được gọi là kỹ năng đọc - hiểu bằng hình ảnh. Truyện tranh giúp trẻ tự tin hơn khi đọc và học từ vựng mới.
Theo Báo cáo đọc sách của gia đình và trẻ em của NXB Scholastic (Một nhà xuất bản sách thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới), hơn 70% trẻ em trong độ tuổi từ 6-17 nói rằng các em tìm kiếm những cuốn sách khiến mình bật cười thỏa thích. Và truyện tranh thì luôn có các đoạn hội thoại rất tự nhiên, rất “đời”, khiến trẻ bật cười thích thú.
Một "đặc sản" nữa của truyện tranh là các từ mô tả âm thanh như "cốc cốc cốc, reng reng reng...". Các từ này thường có kích cỡ và phông chữ khác biệt trên trang truyện, dễ nhận thấy. Chúng sẽ kích thích trẻ tưởng tượng các âm thanh này phát ra như thế nào ngoài đời thực và trẻ có thể sẽ thích thú đọc to các từ mô tả âm thanh này lên.
Bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức hoặc những nội dung hữu ích không chỉ là đặc trưng riêng của sách/ truyện chữ. Truyện tranh trên thế giới ngày càng được đầu tư về nội dung, minh họa, mở ra cho trẻ một kho tàng kiến thức phong phú với vô vàn đề tài hữu ích được thể hiện bằng hình thức trực quan sinh động. Thậm chí là những đề tài “khó nuốt” như lịch sử, khoa học nếu được thể hiện sáng tạo bằng tranh ảnh thú vị bỗng chốc trở nên hấp dẫn và dễ hiểu vô cùng.
Nhiều cha mẹ muốn rèn thói quen đọc sách cho con từ nhỏ. Ðối với trẻ chưa biết hết mặt chữ hoặc lười đọc sách, trường hợp đặc biệt hơn là mắc triệu chứng khó đọc, việc đọc truyện tranh sẽ là một giải pháp tuyệt vời để tạo thói quen này.
Cha mẹ đồng hành, định hướng cho con
Theo TS. Giáp Văn Dương, việc trẻ đọc truyện tranh không phải là xấu, và ngay cả đọc truyện chữ cũng không phải hoàn toàn tốt. Mỗi thể loại đều có cái hay, cái dở, cái hạn chế và vấn đề là chúng ta phải điều chỉnh như thế nào. TS. Dương chia sẻ thêm, khi còn ở nước ngoài, nhờ truyện tranh mà con trai ông giữ được tiếng Việt. Cho đến bây giờ gia đình ông vẫn để con đọc cả truyện tranh và truyện chữ.
Nhà văn Di Li cho rằng, cha mẹ giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng cho con chọn sách. Ngay cả khi trẻ đã có thể đọc độc lập và tự tìm đến những bộ truyện mà trẻ yêu thích thì cha mẹ vẫn là người bạn đồng hành quan trọng. Hãy đọc cùng con, trò chuyện về bộ truyện con thích. Ðiều này không chỉ giúp trẻ tiếp tục có được sự định hướng tốt khi đọc mà còn giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ ngày càng gắn bó, khăng khít hơn.
Các bậc phụ huynh lưu ý, dù là truyện tranh hay truyện chữ cũng phải bổ ích, không nên chọn truyện tranh bạo lực, đánh đấm vì trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Lựa chọn truyện tranh theo độ tuổi của con. Tốt nhất các cha mẹ nên tìm hiểu xem tại sao con em mình lại thích đọc bộ truyện tranh này, và hãy kiểm chứng/đọc thử trước rồi mới quyết định có mua truyện đó cho con không.
Truyện tranh có nhiều đặc trưng phù hợp với tâm sinh lý trẻ em, khiến trẻ thích đọc truyện tranh hơn bất kỳ loại sách nào khác. Nếu tận dụng tốt điều này, trẻ em sẽ có một bước khởi đầu cho tình yêu đọc suốt đời.