Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sức khỏe cộng đồng - Ai quan tâm?

 
Bệnh nhi ung thư –  hình ảnh để lại nỗi hoang mang, lo lắng và ám ảnh trong cộng đồng. Ảnh minh họa
 
Thực trạng sức khỏe cộng đồng rất đáng sợ
 
Tôi không dám đưa ra cách đánh giá thực trạng sức khỏe cộng đồng một cách khoa học, đúng với đòi hỏi của ngành y. Tôi chỉ nêu lên thực trạng đáng sợ thông qua dư luận xã hội và những điều tai nghe, mắt thấy. Đó là các bệnh viện luôn quá tải, hai, ba người bệnh phải nằm chung một giường. Đó là những người chết trẻ vì bệnh tật ngày càng nhiều. Đó là mức tăng những ca mắc bệnh ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới: Cụ thể, năm 2000 có 69.000 ca mắc bệnh ung thư mới; đến năm 2015, con số này là 150.000, ước tính tới năm 2020 sẽ là 200.000. Đó là chưa kể con số thống kê khi nào cũng thấp hơn thực tế.
 
Tại Việt Nam hiện nay, mỗi năm có trên 520.000 ca tử vong do bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Như vậy, tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 người chết bởi bệnh không lây nhiễm. 
 
Một điều đáng suy ngẫm là, trong khi các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm thì  các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng (năm 1986, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện là 40%, nay tăng lên 73%). Hiện tại, nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh cao huyết áp; 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường; trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; mỗi năm có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư. Tình hình bệnh tật gây chết chóc, tàn phế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng.
 
Đặc biệt, căn bệnh ung thư tăng nhanh và gây chết nhiều người khiến người dân rất hoang mang. Các chuyên gia chỉ ra những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư như sau: Thực phẩm độc hại: 35%, thuốc lá: 30%, di truyền 10%, những nguyên nhân khác: 15%.
 
Biết được nguyên nhân có nghĩa là sẽ tìm ra biện pháp để hạn chế.
 
Tôi chấp nhận hỏi ngu
 
Hỏi những câu quá dễ, hỏi những điều mà nhiều người biết rồi thì bị xem là hỏi ngu. Tôi chấp nhận ngu để nêu câu hỏi: Sức khỏe cộng đồng đáng sợ như vậy, ai là người quan tâm? Ai là người chịu trách nhiệm?
 
Nhiều người sẽ trả lời ngay: Liên quan đến sức khỏe, đương nhiên là Bộ Y tế quan tâm, chịu trách nhiệm rồi. Tôi cho rằng, nếu trả lời như vậy thì đây là câu trả lời hời hợt, nó không bộc lộ bản chất vấn đề. Dựa vào câu trả lời này, chúng ta không thể nào tìm ra biện pháp ngăn chặn việc mọi người mắc trọng bệnh hàng loạt, sức khỏe của cả cộng đồng lâm vào nguy cấp.
 
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về sức khỏe của toàn dân, nhưng chỉ quản lý phần ngọn, đó là chữa bệnh; và ở mức độ nào đó là trực tiếp phòng bệnh. Còn để ngăn chặn bệnh tật từ xa, từ sớm là trách nhiệm của những ngành khác. Ai cũng biết bệnh tật liên quan đến môi trường, đến việc ăn, uống, nghỉ ngơi… Vậy mà hiện nay, môi trường ở nhiều nơi đang bị đầu độc, từ biển tới rừng. Còn thực phẩm, từ thịt, cá, rau, trái cây đến gạo, bánh phở, miến… đều có nguy cơ nhiễm độc. Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?
 
Thật khó quy trách nhiệm cho một bộ, ngành nào đó cụ thể. Bộ Công thương thì cho xây dựng hàng loạt những nhà máy có khả năng gây ô nhiễm cao như xi măng, lọc dầu, luyện thép, luyện nhôm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý chặt chẽ các loại phân bón, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Bộ đội Biên phòng, Hải quan thì để cho thuốc lá, hàng hóa, rau quả độc hại tràn vào nước ta. Đến nông dân (những người được xem là chất phác, thật thà nhất) hiện nay cũng có những việc làm rất đáng nghi ngại. Đó là việc họ sản xuất hai loại thực phẩm để ăn, để biếu và để bán khác nhau. Không ít lần tôi được biếu thịt lợn, rau, quả kèm theo lời nói: “Đây là những thứ nhà nuôi riêng, trồng riêng, chúng tuyệt đối an toàn…”. Như thế, có thể hiểu những thứ để bán có thể không an toàn. Có người đã mạnh miệng và chua chát kết luận: Người Việt Nam chúng ta đang đầu độc lẫn nhau.
 
Karl Marx đã cảnh báo, khi con người chạy theo lợi nhuận thì sẵn sàng chà đạp lên mọi luật lệ của loài người. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, để an toàn cho sức khỏe cộng đồng, cần phải áp dụng song song hai biện pháp: vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, đạo lý; vừa siết chặt kỷ cương, luật pháp – không nương tay với những người cố tình vi phạm những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 
Ngày 5/5/2016, lực lượng chức năng Thanh Hóa đã bắt giữ hơn 20 tấn thực phẩm bẩn bốc mùi hôi thối. Ảnh: KT
 
Phải hành động khi chưa quá muộn!
 
Như vậy là dường như tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trong việc môi trường sống, thực phẩm không an toàn. Điều này có nguyên nhân bao trùm là xã hội ta đang ở giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường. Chính Karl Marx đã cảnh báo khi con người chạy theo lợi nhuận thì người ta sẵn sàng chà đạp lên mọi luật lệ của loài người. Trong hoàn cảnh này, cần phải áp dụng song song hai biện pháp mới mong giải quyết được vấn đề. Đó là vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, đạo lý; vừa siết chặt kỷ cương, luật pháp – không nương tay với những người cố tình vi phạm.
 
Giáo dục thì phải làm thường xuyên, từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, biện pháp này không mang lại kết quả tức thì. Muốn có hiệu quả nhanh chóng, phải siết chặt kỷ cương, luật pháp. Rất may là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta là Quốc hội đã quan tâm tới vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về chương trình giám sát chuyên đề an toàn thực phẩm sẽ thực hiện vào năm 2017.
 
Thật ra, về tác hại của thuốc lá, chúng ta biết đến từ lâu và đã đề ra những biện pháp phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng, nhưng chúng ta thực hiện không nghiêm. Cái cần nhất hiện nay là phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, trừng phạt mạnh tay những người vi phạm. Những người tung ra thị trường thực phẩm độc hại phải bị xử lý hình sự, chứ không dừng lại ở phạt hành chính như hiện nay.
 
Muốn làm được việc này, phải có quyết tâm, có chỉ đạo từ cấp cao. Ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng đã thể hiện quyết tâm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủ tướng phát biểu: “Có nhiều việc nhưng có hai việc quan trọng. Thứ nhất là người đứng đầu ở địa phương, trang trại, siêu thị, lò giết mổ phải chịu trách nhiệm. Làm rõ trách nhiệm không chỉ hành chính mà cả hình sự. Vấn đề thứ hai, chúng tôi đã cho cơ chế ngân sách, đó là cho tạm ứng 95% dự toán ngân sách cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đã dự toán”.
 
Để thể hiện quyết tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh, phải “xóa bỏ con đường ngắn từ dạ dày đến nghĩa trang” cùng với việc “xóa bỏ con đường dài nhất từ lời nói đến việc làm”.
 
Như vậy là người đứng đầu Chính phủ đã phát tín hiệu cụ thể để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phải hành động gấp khi còn chưa quá muộn!
 
 
Thực phẩm được chế biến trong điều kiện vô cùng mất vệ sinh. Ảnh minh họa
 
Xem lại định hướng giá trị

Có một bộ phận không nhỏ từ quan chức tới dân thường đã đánh giá quá cao vai trò của vật chất, sức mạnh của đồng tiền. Phải chăng từ đây mới xuất hiện tư tưởng phát triển bằng mọi giá, kiếm tiền bằng mọi giá?
 
Định hướng giá trị chính là xác định mục đích sống của từng con người. Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế thị trường phát triển, nhiều người cho rằng, giá trị của con người nằm ở chỗ anh ta có lắm tiền không? Có quyền cao, chức to không? (Có chức, có quyền đồng nghĩa với việc có tiền). Có những thứ này có nghĩa là con người đấy thành đạt, đáng kính trọng.
 
Điều này không chỉ thể hiện trong quan niệm của một số người, mà nó còn được thể hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái cách quảng cáo, giới thiệu về căn hộ, biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, xe hơi sang trọng, váy, áo hàng hiệu đắt tiền chính là kêu gọi coi trọng giá trị vật chất. Danh từ “Đại gia” chỉ gắn cho những người lắm tiền, nhiều của sống ồn ào trong danh vọng, chứ không gắn cho những người thông minh, tài giỏi nhưng sống khiêm nhường, lặng lẽ.
 
Có thể nói, tình trạng sức khỏe cộng đồng đáng sợ hiện nay có liên quan đến định hướng giá trị của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh, xem lại những định hướng giá trị - tôn trọng những giá trị tinh thần thì những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường sống, tạo ra thực phẩm an toàn khó mang lại kết quả.
 
Cần phải có chiến lược trong việc tuyên truyền, giáo dục những giá trị văn hóa, tinh thần trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
 
Trọng Đàm

 

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em