Lực lượng chính trị nòng cốt của cuộc cách mạng là Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản khi đó chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng đã tập hợp, huy động được sức mạnh quần chúng, sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc chuyển mình của lịch sử. Đó là một minh chứng sinh động của chân lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Ra đời trong mùa Thu lịch sử 1945, lực lượng Công an là sản phẩm của nguyên tắc giành – giữ chính quyền. Ngay trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, hình ảnh lực lượng Công an khi đó gồm: Liêm phóng, Trinh sát, Cảnh sát đã được lịch sử khắc ghi: Những đội quân tham gia tuần hành, bảo vệ buổi lễ; đảm bảo trật tự trị an trên đường phố Thủ đô; đặc biệt, hình ảnh đội tiêu binh đi xe đạp, trang bị súng ngắn bảo vệ các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời tới dự buổi lễ; hình ảnh ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ tiếp cận bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài… Thực tế đó khẳng định sứ mệnh của lực lượng Công an là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân.
Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, lực lượng CAND luôn quán triệt phương châm “Công an của ta là Công an nhân dân” và luôn ý thức được sức mạnh của dân, dựa vào dân mà làm việc. Trong nhiều huấn thị với lực lượng CAND, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Người cũng chỉ rõ: “Công an dẫu có năm, bảy vạn đi nữa thì vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Người khẳng định: “Bất kỳ việc to, nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”.
Các tầng lớp nhân dân, người lao động Hà Nội cùng với lực lượng vũ trang nhân dân tham gia mít tinh phát động cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945. Ảnh tư liệu.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, hơn 7 thập kỉ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND luôn chú trọng vận dụng, phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những phong trào “phòng gian”, “bảo mật”, “ba không” trong các cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… đã trở thành thiên la địa võng bịt mắt kẻ địch, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Trong nhiều năm, từ vùng duyên hải tới miền trung du, mỗi người dân đã tự giác như một chiến sỹ. Một bộ quần áo lạ ven bờ biển hoặc trong rừng, một mẩu thuốc lá hoặc đồ hộp thực phẩm, một mảnh dù… đều được họ ghi nhớ, trình báo Công an. Nhiều toán gián điệp, biệt kích nhảy dù hoặc xâm nhập qua bờ biển, đều bị bắt gọn mà trong đó không ít vụ đều bắt đầu từ những tin báo, từ sự cảnh giác của người dân.
Trong các chuyên án kinh điển của lực lượng Công an như các chuyên án chống gián điệp biệt kích vùng Tây Bắc, C30, CM12…đều có vai trò, đóng góp của người dân trong việc phát hiện, khám phá.
Trong những năm gần đây, vai trò của nhân dân càng được phát huy trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng Công an các cấp, các đơn vị đều quan tâm làm tốt công tác dân vận, tranh thủ người có uy tín trong dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản… Từ đó, công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng thu được nhiều kết quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định, thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong hơn 7 thập kỉ qua đều có sự đóng góp của mỗi người dân và toàn xã hội. Chính vì vậy, công tác dân vận luôn được Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND quan tâm chăm lo, vận dụng. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (ban hành năm 2013) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị…
Vận động và tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tiềm năng, sức sáng tạo, tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước; tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tiêu cực, tệ nạn xã hội”.
Nhân kỉ niệm 71 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2016), 11 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2016), chúng ta càng ý thức rõ vai trò lịch sử và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng CAND nguyện thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, để huy động được sức mạnh của nhân dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải biết và làm tốt công tác dân vận; phải thực sự trọng dân, tin dân thì dân mới tin, mới ủng hộ Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó chính là yêu cầu của cuộc sống và nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay.