Trong cuộc bàn bạc để triển khai, có cả phần đặt tên cho chương trình. Rất nhiều tên được đưa ra, nhưng cuối cùng Tổng Giám đốc Trần Bình Minh đã đặt tên chương trình là “Giai điệu tự hào”. Với sự tài trợ của Tổng công ty dược Eco, thông qua quảng cáo Sâm Alipas platinum và sự tổ chức thực hiện của công ty Motion (chuyển động). Một nhóm anh em chúng tôi đã cụm nhau lại thành một ekip sản xuất chương trình. Nhà thơ Phan Huyền Thư là giám đốc ý tưởng kiêm viết kịch bản, nhạc sĩ Quốc Trung là giám đốc âm nhạc, nghệ sĩ Việt Tú là tổng đạo diễn sân khấu. tôi là cố vấn âm nhạc. Sau khi chuẩn bị rất khẩn trương, ngày 23/12/2013 là ngày bấm máy quay số đầu tiên mang tên “Bài ca năm tấn”. Vì lần đầu tiên nên thời lượng thực hiện chương trình mất khoảng 10 tiếng. Cả người làm, cả khách mời tham gia bình luận, cả khán giả đều mệt phờ. Mệt nhưng mọi người đều rất vui. Trong số khách mời có nhà báo Hữu Thọ. Đến nay, ông đã về cõi xa xăm. Ngày 24/12/2013, ngày bấm máy số thứ hai mang tên “Đêm nay tôi mơ thấy hòa bình”. Cũng mệt không kém. Tôi nhớ khi làm xong, tôi về tới nhà ở Hàng Bông thì chỉ một lát sau, chuông nhà thờ đêm Giáng sinh đã đổ hồi. Hai MC chương trình là nhà thơ Hồng Thanh Quang và phóng viên văn nghệ đài Hà Thu Nga. Sau chương trình làm đêm noel, hôm sau ngày noel chính là ngày Hà Thu Nga và Tổng giám đốc công ty dược Eco Ngô Trí Dũng tổ chức hôn lễ. Tuy làm vào ngày thứ hai, nhưng “Đêm nay tôi mơ thấy hòa bình” lại được phát sóng đầu tiên vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và dấy lên một làn sóng dư luận khen, chê trong khán giả. Ngay cả ekip sản xuất phải ngồi cùng nhau để rút kinh nghiệm. Nhận ra thiếu sót nhưng không ai nản lòng. 4 số sau vẫn được liên tục sản xuất. Ở số thiếu nhi (số 6) mang tên “Đi học”, có cả nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích – tác giả ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày” nổi tiếng. Đúng một năm sau, ở số thiếu nhi mang tên “Hạt gạo làng ta” thì cũng là lúc MC chương trình nói lời tưởng niệm ông.
Hội đồng bình luận.
Một tiêu chí rất rõ của “Giai điệu tự hào” là chọn các ca khúc tiêu biểu cho từng chủ đề nhưng được phối khí, biểu diễn mang thẩm mỹ đương đại của ngày hôm nay để có thể đưa niềm tự hào quá khứ đến với lớp trẻ bây giờ. Điều đó thật không dễ vì khó lòng vượt qua thói quen nghe đã định hình của thời đại trước. Khi làm chương trình kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (1954 - 2014) mang tên “Ăn no, đánh thắng”, nghe nhóm rock “Ngũ cung” và tốp nam hát rock bài “Hò kéo pháo”, có rất nhiều nhìn nhận ngược nhau giữa hai hội đồng bình luận. Hoặc khi thể hiện ca khúc “Đi học” của Bùi Đình Thảo (thơ Minh Chính) ở số thiếu nhi, khi ca sĩ Văn Hải (thường gọi là Hải Bột) ôm guitar hát giai điệu ở nhịp 3/4, thì rất nhiều khán giả lớn tuổi ồ lên vì thấy khác với bản thu âm khi xưa hát bằng nhịp 2/4. Mỗi cách đều có tính thời đại của nó. Nhiều người sau khi xem chương trình cũng gọi máy tâm sự với tôi. Nhưng theo tôi, sự tranh cãi nhiều chiều cũng chính là thành công của chương trình. Người thưởng thức không bị áp đặt một chiều như nhiều chương trình ca nhạc khác. Họ có quyền bình chọn để đưa tiết mục này hay tiết mục khác vào gala cuối năm.
Sau số 6, tất cả anh em kéo nhau vào làm các số tiếp theo ở TP Hồ Chí Minh tại phim trường của Hãng phim BHD. Trong ekip, nghệ sĩ Việt Tú được thay bằng nghệ sĩ Nguyễn Tranh. Dàn dựng múa minh họa là nghệ sĩ Tuấn Lộc với một nhóm múa đầy kỷ luật và tính công nghệ cao. Bởi thế, thời lượng thực hiện chương trình đã được rút xuống chỉ còn chừng 6 tiếng. Ở số mang tên “Hát cho dân tôi nghe” nói về cuộc xuống đường của học sinh – sinh viên Sài Gòn thủa trước, nhà thơ Hồng Thanh Quang có việc bận đột xuất. Ekip phải ứng đối bằng cách điều ngay bình luận viên trẻ Nguyễn Hữu Chiến Thắng đang trên đường ra phi trường (vì đã làm xong số “Người Hà Nội” từ hôm trước) trở về làm MC lưu động kết nối giữa hai hội đồng bình luận. Ở số “Người Hà Nội”, ekip đã cho dàn dựng ca khúc “Tôi xa Hà Nội” của nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân qua giọng hát của Trần Thu Hà và có sự chứng kiến của chính nhạc sĩ. Nhưng do những chuyện éo le từ quá khứ xung quanh tác phẩm này, nên “Tôi xa Hà Nội” đành không lên sóng.
Một tiết mục trong chương trình “Giai điệu tự hào”.
Gala 2014 của “Giai điệu tự hào” được thực hiện hoành tráng tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Hà Tây. Mặc dù trời lạnh buốt, anh em Sài Gòn ra bám hiện trường cả tuần liền. Sau gala, Tổng công ty dược Eco có in đĩa phát cho anh em làm quà kỷ niệm. Vậy mà có người phát hiện đĩa được in bán cho bà con chợ Đồng Xuân. Đủ thấy, sức sống của “Giai điệu tự hào” mạnh khỏe chừng nào.
Bước sang năm thứ hai, năm Ất Mùi 2015, “Giai điệu tự hào” vẫn thực hiện ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau hai số đầu, MC nữ được thay bằng MC Quỳnh Hoa ở TP Hồ Chí Minh, MC Hà Thu Nga phải nắm trọng trách tổ chức thực hiện, vì Công ty Motion chuyển sang công việc khác. Cũng chỉ một hai số sau, MC nam cũng phải thay bằng nhà báo Phùng Huy Thịnh - một lính chiến Quảng Trị, vì nhà thơ Hồng Thanh Quang nhận trọng trách Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Có một thú vị nho nhỏ là việc phát hiện ra “bé Minh Trang” ở Nam Định, người đã lĩnh xướng ca khúc “Hạt gạo làng ta” của nhạc sĩ Trần Viết Bính (thơ Trần Đăng Khoa). Thời chiến tranh, “bé Minh Trang”, giờ đã thành “bà Minh Trang” nhưng giọng hát thì vẫn lanh lảnh như xưa. Cô đã hát hồn nhiên trong chương trình mang tên “Hạt gạo làng ta”. Ở chương trình “Tên anh đã thành tên đất nước”, nghe nhóm rock “Ngũ cung” hát bài “Hát mừng anh hùng Núp” của Trần Quý đến gai cả người.
Chính nhạc sĩ Trần Quý khi gặp tôi ở Đại hội Hội Nhạc sĩ đã rất thú vị khi thưởng thức ca khúc của mình, được thế hệ trẻ làm mới. Có lẽ trong các chương trình “Giai điệu tự hào”, thì việc tổ chức sản xuất chương trình “Hồi tưởng” là nặng nhọc nhất.
Để mở rộng bình diện thể loại âm nhạc, chương trình đã thực hiện trình diễn 4 hợp xướng là “Hồi tưởng” của Hoàng Vân, “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc, với hai cách trình diễn, “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” của Chu Minh (thơ Hoàng Trung Thông) và “Việt Nam quê hương tôi” của Đỗ Nhuận (ca khúc dàn dựng theo hình thức hợp xướng). Nhạc trưởng Lê Phi Phi (con trai nhạc sĩ Hoàng Vân) từ nước ngoài về cầm đũa chỉ huy. Chương trình không chỉ tốn sức mà cũng hết sức tốn kém về kinh tế. Thế mới thấy ở thời đại toàn cầu hóa này, muốn làm nghệ thuật hay thì cũng không thể “tay không bắt giặc được”. Đúng là “tiền nào của ấy”. Ngay cả số “Bài ca xây dựng” cũng thế. Những dàn dựng quá công phu, đặc biệt là ở ca khúc “Mùa xuân trên những giếng dầu” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Trong năm 2015, có một số đặc biệt giới thiệu các bài hát Nga tiêu biểu có ảnh hưởng đến thời chiến tranh ở Việt Nam mang tên “Thời thanh niên sôi nổi”. Nhiều tiết mục ở chương trình được dàn dựng rất công phu, rất “Nga”, như tốp nữ hát và múa “Cây thùy dương” (chính ra là “Cây thanh lương trà vùng Uran”), hay song ca nam bố con Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ với ca khúc “Giờ này anh về đâu”.
Những người dàn dựng sân khấu đã mời được nhiều người Nga và châu Âu đến minh họa lính Nga và thiếu nữ Nga. Chương trình đã được đón nhận nồng hậu ở Việt Nam và cả Liên bang Nga. Để kỷ niệm 55 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (20/12/1960 - 20/12/2015), số cuối cùng của năm 2015 được thực hiện mang tên “Xuân chiến khu”. Thật cảm động là chương trình đã được đón nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến tham dự và phát biểu rất hay. Chương trình được phát sóng vào đêm 25/12/2015.
Vậy là “Giai điệu tự hào” đã đi qua chặng đường 2 năm tròn, vẫn đầy cuốn hút và đón đợi của khán giả. Một điều rất trùng hợp và đầy nhân văn là khi khởi ra “Giai điệu tự hào”, ekip chứng kiến một hôn lễ hạnh phúc của Ngô Trí Dũng và Hà Thu Nga. Còn sau hai năm, khi gala 2015 được thực hiện thì cũng là khi cặp đôi hạnh phúc này có đứa con đầu lòng. Đấy vừa là nhân duyên vừa là lương duyên của chương trình với đời thường.