Di tích lịch sử căn cứ Làng Vây hiện nay được UBND tỉnh Quảng Trị quy hoạch 1,8ha.
Lên Hướng Hóa những ngày tháng hè này mới cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của thời tiết thách thức người dân nơi đây như thế nào. Những trận hạn hán kéo dài khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt. Cây cối cũng vì thế mà “nín, nhịn” không ra hoa, kết quả, đe dọa một mùa màng thất thu. Ngồi trong phòng làm việc của ông Trương Thất Tùng (Chủ tịch UBND xã Tân Long), cả chủ lẫn khách đều thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, trời cũng đổ mưa, cơn mưa “vàng” suốt từ đầu hè đã xua tan không khí ngột ngạt bao trùm khắp miền Tây tỉnh Quảng Trị.
Nói đến chuyện thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất thì Hướng Hóa đúng là khu vực trầm trọng nhất của Quảng Trị. Nhưng từ trong những băn khoăn, trăn trở và cả những bức xúc thì vẫn ẩn chứa tình yêu quê hương bất diệt của người dân nơi đây. Nhiều người vẫn truyền bảo nhau, ngày trước bom đạn chiến tranh dày đặc còn không diệt được sự sống ở Hướng Hóa, nay việc thiếu nước chẳng nhẽ không vượt qua được, không tìm ra hướng khắc phục? Quả đúng như vậy, dù hằng năm cơn khát vẫn bủa vây Khe Sanh, vùng Lìa cũng như toàn bộ Hướng Hóa, nhưng khi đi dọc Đường 9, rẽ Tân Long vào Lìa hay đến Hướng Phùng,…đâu đâu cũng bạt ngàn màu xanh của cà phê, chuối, sắn và những rừng keo. Ngược Đông Hà hướng lên Lao Bảo, được tới thăm Tà Cơn, Làng Vây, đồi Cù Bốc, Động Tri, Đồi Pháo Binh,… những địa danh gắn liền với sự tàn khốc của bom đạn chiến tranh, giờ đã hồi sinh, chúng tôi thật sự khâm phục khát khao sống, khát khao vươn lên trong mọi hoàn cảnh của người dân vùng biên này.
Chuối mật trở thành loại nông sản chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng biên giới phía Tây Quảng Trị.
Làng Vây hiện nay đã được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 319/QĐ-BVHTTDL ngày 26/1/2011 của Bộ VH-TT&DL. Địa điểm chiến thắng Làng Vây nằm trên một cụm đồi đất đỏ ba zan, về phía đông của xã Tân Long, giáp với xã Tân Lập, cách Đường 9 đoạn km75 khoảng 1km về phía nam, cách Tà Cơn 15km về phía tây nam.
Theo sử sách ghi lại, để xây dựng Khe Sanh thành một tập đoàn cứ điểm quân sự, từ đầu năm 1966, Mỹ ra sức tăng quân và vũ khí lên miền tây Quảng Trị, lập thành một hệ thống căn cứ dày đặc tại các vị trí then chốt như Tà Cơn, Làng Vây, Đồi Cù Bốc, Động Tri…. Ở Tà Cơn, địch cho xây dựng cụm cứ điểm lớn với hàng loạt các công sự kiên cố và một sân bay cỡ lớn, trở thành vị trí quân sự lớn nhất trong hệ thống phòng thủ Đường 9 – Khe Sanh. Trong đó, Làng Vây là một căn cứ chốt, án ngữ cửa ngõ khu trung tâm Tà Cơn, đồng thời là tiền tiêu của tuyến phòng thủ Đường 9. Căn cứ Làng Vây được xây dựng trên hai cao điểm 320 và 230, chiều dài 600m, chiều rộng 200m, có nhiều hầm hào và công sự kiên cố với các điểm hoả lực rất mạnh, kể cả: Trận địa pháo 105mm, cối 106,7mm. Căn cứ Làng Vây được bao bọc xung quanh bằng những lớp hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, dưới chân đồi có các bãi mìn lớn với tầm sát thương và huỷ diệt cao. Chốt giữ ở đây là những lực lượng đặc biệt của Mỹ - ngụy gồm 6 đại đội, có 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Xuất phát từ vị trí chiến lược, Làng Vây được mệnh danh là một cái cuống họng, một chân kiềng của hệ thống phòng ngự Khe Sanh.
Một góc bản Làng Vây.
Mùa xuân năm 1968, chúng ta mở chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hoá, mở màn là trận đánh của quân ta vào căn cứ Làng Vây. Trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công một căn cứ kiên cố của địch và đã giành thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao, mở ra truyền thống “Đã ra quân là chiến thắng” của bộ đội xe tăng anh hùng. Trận đó, ta tiêu diệt và bắt 1.000 tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự Đường 9 của Mỹ - ngụy, phối hợp kịp thời với các chiến trường khác trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa Xuân năm 1968.
Ngày nay, căn cứ Làng Vây trở thành một di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta đã đánh bại một đội quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ và tay sai. Cùng với di tích Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, di tích Làng Vây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của tuyến du lịch DMZ, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ về thăm lại chiến trường xưa.
Khu di tích đã được UBND tỉnh Quảng Trị quy hoạch 1,8ha để bảo vệ; đồng thời cho xây dựng một mô hình xe tăng chiến thắng tại trung tâm khu di tích, một nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Toàn bộ khu di tích được giao cho 2 trường là Tiểu học và THCS Tân Long chăm sóc, làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh.
Học sinh Trường THCS Tân Long làm vệ sinh khu vực trung tâm di tích căn cứ Làng Vây.
Dưới chân khu di tích Làng Vây là bản Làng Vây, được hình thành từ khoảng năm 1990 – 1991. Dân trong bản hầu hết là người Pa Cô, Vân Kiều, chuyển đến từ Pa Nang, Đa Krông của huyện Đa Krông. Từ 12 hộ dân đầu tiên, giờ bản Làng Vây có 32 hộ, trong đó có 4 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Theo ông Tùng: Người dân trong bản chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Bà con ở Làng Vây tuy là người đồng bào thiểu số song có cuộc sống khá ổn định, đời sống tinh thần, văn hóa lành mạnh theo hướng phát triển nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Căn cứ Làng Vây ngày trước là những bãi mìn, lũy thép gai, hệ thống hầm, hào, công sự kiên cố. Bản Làng Vây hiện nay đã được các đội rà phá bom mìn làm sạch vết tích chiến tranh, trả lại hàng ngàn ha đất để người dân phục xanh, đưa vào sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, an cư lập nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự nơi vùng biên giới của Tổ quốc. Ăm Rạp, Trưởng bản Làng Vây là một trong những người tiên phong trong các phong trào sản xuất, học tập và sống, làm việc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông cũng là tấm gương sáng trong lao động sản xuất để bà con noi theo. Ngoài việc trồng chuối, keo thương mại, Ăm Rạp còn nuôi thêm đàn gia súc, làm giàu cho gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Một trong những cây trồng chủ lực ở bản Làng Vây, ở xã Tân Long nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung là cây chuối mật mốc. Đây là loại nông sản đã góp phần giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân địa phương. Riêng xã Tân Long đã trở thành “thủ phủ” chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa. Sau cây cà phê, hồ tiêu, bơ, thì chuối mật mốc Tân Long là sản phẩm thứ 4 của nông nghiệp huyện Hướng Hóa, khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Hơn 15 năm trước, cây chuối mật mốc bắt đầu phát triển ở xã Tân Long. Ban đầu bà con nông dân trồng để phục vụ nhu cầu ăn hàng ngày của gia đình, lâu dần do được nhiều người thích nên trở thành mặt hàng bán chạy nhất. Cây chuối mật mang lại đời sống cao nên nhiều hộ dân nơi đây đã từ bỏ buôn lậu để trồng chuối.
Nhờ thu nhập cao từ cây chuối và sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Tân Long tăng lên rõ rệt, bình quân đầu người tăng hơn 11 triệu đồng/năm. Trong 5 năm trở lại đây, Tân Long là một điểm sáng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Hướng Hóa; phạm pháp hình sự giảm theo từng năm, xã không xảy ra các vụ trọng án. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29% năm 2000 xuống còn 4,4% năm 2014. Những thôn từng là điểm nóng về ma tuý và tệ nạn xã hội nay lại là điểm sáng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo. Được biết, tính đến hết tháng 6/2015, xã Tân Long đã đạt được 14/19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới. Đó là một tín hiệu hết sức khả quan, báo hiệu cho sự thay da, đổi thịt của vùng đất từng oằn mình dưới bom đạn chiến tranh này.
Rời bản Làng Vây, rời thủ phủ chuối mật Tân Long, chúng tôi vẫn còn lưu luyến với những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ nơi đây. Đó chính là những nụ cười của một cuộc sống mới đang dần đổi thay từng ngày, được vun đắp bởi ký ức hào hùng của Làng Vây, của tình yêu bất diệt với quê hương, đất nước mà người Làng Vây, Đường 9, Khe Sanh, Hướng Hóa đã, đang và mãi duy trì.