Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sức sống mãnh liệt của Lục Bát trong dòng chảy Văn hóa Việt

 

Nhà thơ Đặng Vương Hưng - Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục Bát phát biểu.

 

Thơ lục bát - Khơi nguồn lại hồn di sản văn hóa dân tộc

iệt Nam mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo được các thế hệ cha ông truyền lại. Lục bát có trong lời ru của mẹ, trong ca dao, trong kho tàng thi ca của nước Việt, từ những câu nói có vần, đến những điệu hò, điệu lý, câu hát giao duyên cho đến những tác phẩm văn học đồ sộ như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật (Nguyễn Đình Chiểu)... Thể thơ lục bát còn có trong hàng ngàn tác phẩm văn học khác, trong những câu dân ca, những làn điệu chèo, quan họ, trong điệu trống quân, cò lả, ví, giặm, điệu nam ai, nam bình, chầu văn, ca trù…  


Nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, lần đầu tiên hội thảo khoa học “Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019, do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.


Lễ rước trang trọng trong Ngày hội Thơ Lục Bát 2019.

 

Thơ lục bát xứng đáng là “Di sản văn hóa phi vật thể” của Quốc gia


Hội thảo thu hút hơn 40 bài viết, ý kiến tham luận. Mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội với dẫn chứng để khẳng định giá trị, vị thế của thơ lục bát trong di sản văn hóa dân tộc, xứng đáng là “Di sản văn hóa phi vật thể” của quốc gia.


Đến nay, không ai có thể khẳng định thể thơ lục bát có từ khi nào, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lục bát có xuất xứ từ ca dao, từ thời Vua Hùng và có thể có từ trước đó, tồn tại trong dân gian từ đời thượng cổ, là văn hóa truyền miệng từ đời này sang đời khác. Ngày nay, lục bát đã trở thành thể thơ truyền thống đặc thù cho thi ca cổ truyền - một thể thơ giàu cảm xúc, trữ tình, có sức truyền cảm cao trong trào lưu thi ca hiện đại. Từ Tản Đà cho đến Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Trọng Tạo... và một số cây bút trẻ sau này, lục bát đã trở thành những tác phẩm mang phong cách hiện đại, là những tác phẩm "đóng đinh" trong sự nghiệp văn chương của họ.


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), trong cả tục ngữ lẫn ca dao Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều dấu tích của quá trình hình thành, hoàn thiện thể thơ lục bát. Những gì đã được hoàn thiện trong thể lục bát ngày nay đều in dấu bàn tay sáng tạo của người Việt qua tục ngữ, ca dao. Thể thơ lục bát Việt Nam do người Việt sáng tạo ra đầu tiên trong văn học dân gian, được góp sức hoàn thiện thêm bởi văn học viết.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, thơ lục bát là di sản văn hóa và là tài sản quý giá của dân tộc, bởi đây là thể thơ tiêu biểu, đặc sắc do người Việt Nam sáng tạo ra và mang tính bản địa rõ rệt. Thơ lục bát được sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được duy trì, bổ sung, nâng tầm thành những tác phẩm văn học bằng thơ ca có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp cư dân trong xã hội. Có thể nói, thơ lục bát là một "phần hồn" trong di sản văn hóa dân tộc, là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam cần được bảo tồn và tôn vinh. Tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giá trị và vị thế của thơ lục bát là vô cùng quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc; khẳng định trên thực tế lục bát đã là Quốc Thi của Việt Nam và xứng đáng là “Di sản văn hóa phi vật thể” của quốc gia! Vấn đề là địa phương, tổ chức nào sẽ “đăng cai” làm hồ sơ khoa học cho thơ lục bát, trình lên Hội đồng Thẩm định Di sản văn hóa phi vật thể, để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là trình lên UNESCO… để lục bát được cả thế giới tôn vinh.



 

Gian thơ tao nhã của Nhóm facebook Thơ Lục Bát Việt Nam.

 

Sử dụng công nghệ 4.0 để giữ gìn và phát triển lục bát


Nhà thơ Đặng Vương Hưng - Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục Bát và nhóm nhà thơ yêu thơ lục bát những năm qua đã có những bước đi thiết thực để gìn giữ và phát triển thơ lục bát. Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã khởi xướng cho “trình làng” và hòa mạng Internet toàn cầu website Lục Bát Việt Nam, với tên miền chính thức www.lucbat.vn và các tên miền khác đều có thể truy cập: ww.lucbat.com -  www.lucbat.net, đã phát triển được hơn 11 năm. Được biết, các website Lục Bát Việt Nam này đang được nâng cấp giao diện hiện đại nhất có thể. Đặc biệt, website còn thiết lập được một thư viện độc đáo và đặc sắc về lục bát, với hàng ngàn tác giả và hàng vạn sáng tác mới, cùng hàng trăm bài viết mang tính nghiên cứu, bảo tồn và phát huy thơ lục bát.

Việt Cường/TC GĐ&TE