Dậy thì sớm khiến trẻ đối diện với những thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Đây là giai đoạn chuyển tiếp khó khăn ở trẻ. Các triệu chứng dậy thì sớm ở bé trai thường xuất hiện trước 9 tuổi, bao gồm các thay đổi như bộ phận sinh dục phát triển sớm hơn bình thường, trẻ mọc lông nhiều hơn, vỡ giọng... Khi ở tâm thế chưa sẵn sàng, thay đổi do dậy thì sớm có thể khiến trẻ chịu một số tác động tiêu cực như bị sốc, tăng nguy cơ trầm cảm, hoạt động tình dục sớm, lạm dụng chất kích thích...
Tăng nguy cơ thấp còi: Một đứa trẻ bước qua tuổi dậy sớm thì thoạt đầu có thể khá cao so với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao sớm hơn bạn bè đồng trang lứa. Điều này khiến trẻ khó đạt được chiều cao tiềm năng đầy đủ vì khung xương đã ngừng phát triển.
Thay đổi hành vi: Dậy thì sớm cũng có thể khiến trẻ có nguy cơ hoạt động tình dục sớm, không phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra trẻ có thể có hành vi hung hăng, nóng tính hơn.
Bị bắt nạt, trêu chọc: Trẻ ở độ tuổi vị thành niên thường rất tò mò và để ý đến những thay đổi hình thể của bạn bè. Dậy thì sớm khiến bé trai có nhiều lông hơn, râu mọc nhanh hơn, bộ phận sinh dục phát triển, vỡ giọng.... Với những thay đổi này trẻ có thể bị trêu chọc, thậm chí bắt nạt ở trường.
Tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao hơn: Trẻ dậy thì sớm có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Nguy cơ trầm cảm, lo lắng có xu hướng kéo dài suốt thời điểm dậy thì và tăng cao vào những năm đại học.
Nguy cơ sử dụng chất gây nghiện cao: Thay đổi về thể chất khiến trẻ hiểu lầm rằng mình đã trưởng thành. Lầm tưởng này thôi thúc trẻ tiếp cận sớm hơn với các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia... nhằm chứng tỏ bản thân. Nếu không được kiểm soát, sử dụng chất kích thích sớm có thể khiến trẻ lạm dụng, gây nghiện khi lớn.
Kết quả học tập kém hơn: Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé trai dậy thì sớm học kém hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Thành tích học tập giảm sút của các em có thể kéo dài qua những năm trung học và có thể xa hơn.