Cam là loại quả giàu chất chống oxy hóa và chất phytochemical. Công dụng của quả cam có thể kể đến như: giúp giải nhiệt, thỏa mãn cơn khát cho người có cường độ vân động cao, tăng cường hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của cơ thể.
Cam là một trong những loại quả có công dụng làm đẹp nhiều nhất. Làm đẹp từ quả cam kết hợp với một vài nguyên liệu dễ tìm vừa có tác dụng dưỡng trắng sáng da, trẻ hóa da lại vừa rẻ tiền và tiết kiệm được nhiều thời gian.
Làm đẹp da, rất nhiều cách đẹp da từ cam
Không chứa chất béo hay cholesterol, cam nổi tiếng vì chứa nhiều vitamin C và được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh.
Nước cam mật ong: Giúp bạn cải thiện tình tráng thiếu hụt vitamin C nhanh chóng.
Nước cam mật ong chứa hàm lượng canxi tương đối lớn.
Việc uống nước cam thường xuyên được chứng minh rằng mang lại hiệu quả tích cực cho răng và xương khỏe mạnh.
Cam và mật ong là công thức tuyệt vời để bạn có thể sở hữu làn da trắng hồng, rạng rỡ.
Bạn có thể dùng cam mật ong như thức uống bổ trợ hàng ngày. Hoặc như một hỗn hợp dưỡng da. Khả năng giải độc tố của hợp chất giúp làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa mụn.
Nhóm vitamin C cùng khoáng chất có trong loại nước uống này cũng giúp ngăn ngừa tia UV làm sạm nám da.
Trắng da với cam ngay tại nhà:
Trị nám da bằng nước cam: Nước cam có thành phần giàu vitamin C, chất axit tự nhiên và hàng loạt chất chống oxy hóa, nên rất hữu ích với làn da, nhất là da đang bị nám tấn công.
Nước cam giúp đánh bay thâm nám, dưỡng da trắng hồng tự nhiên và đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa.
Nguyên liệu làm mặt nạ trị nám từ quả cam: 3 thìa nước cam; 2 thìa sữa tươi không đường.
Sau đó hòa nước cam và sữa tươi cùng nhau, rồi rửa mặt thật sạch và nhẹ nhàng thoa hỗn hợp này lên khắp mặt, kết hợp massage nhẹ nhàng để chất dinh dưỡng thẩm thấu sâu vào da. Thư giãn khoảng 20 phút và làm sạch da lại.
Kiên trì thực hiện cách trị nám da bằng nước cam mỗi tuần 2 - 3 lần, sau thời gian ngắn da sẽ cải thiện đáng kể, vùng da xỉn màu trắng sáng hơn.
Trị nám da bằng vỏ cam: Giống như nước cam, vỏ cam cũng chứa nhiều vitamin C, chất axit và chất chống oxy hóa. Do đó, bạn đừng vội bỏ chúng đi mà hãy tận dụng để giúp khắc phục tình trạng nám, tàn nhang trên làn da của mình và dưỡng da trắng đẹp hơn.
Đặc biệt, vỏ cam cũng tẩy tế bào chết và làm sạch da rất tốt, giúp lấy đi hết lớp sừng, bã nhờn, bụi bẩn tích tụ lâu ngày trên bề mặt da.
Nguyên liệu làm mặt nạ trị nám từ vỏ cam: 2 thìa bột vỏ cam (vỏ cam phơi khô, tán thành bột mịn); 2 thìa sữa chua không đường; Vỏ cam bạn phơi khô và nghiền nhuyễn, thêm sữa chua không đường vào, dùng thìa khuấy thật đều đến khi có được hỗn hợp sền sệt, sánh mịn.
Sau đó, rửa mặt sạch và thoa hỗn hợp vừa chế biến lên trong vòng 20 phút. Cuối cùng gỡ xuống và làm sạch lại lần nữa. Làm cách trị nám da bằng vỏ cam 2 lần/tuần.
Vỏ quả cam là vị thuốc trong y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền quả cam có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe như: Quả cam vị ngọt chua, tính mát, tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.
Vỏ quả cam vị cay, mùi thơm, tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hóa. Hàm lượng caroten trong vỏ cam nhiều và chứa 0,93-1,95% tinh dầu, có thể dùng làm thuốc kiện tỳ và điều tiết hương thơm. Vỏ cam tác dụng khoan hung, giáng khí, chữa ho, tan đờm… hiệu nghiệm với viêm phế quản mạn tính.
Vỏ quả cam có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn, làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài.
Vỏ tươi dùng xát vào mặt hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón.
Bên cạnh đó, người ta có thể dùng vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo; có tác dụng kích thích ngủ ngon giấc, đuổi muỗi, làm sạch không khí.
Bài thuốc từ quả cam
Miệng khát họng đau, ho khạc nhiều đờm: Cam tươi vắt lấy nước cốt, cho thêm nước cúc hoa vào dùng sẽ có tác dụng sinh tân giải khát, thanh nhiệt giải độc, sơ tán phong nhiệt, khai vị tiêu thực, ly khí tan đờm.
Vỏ cam chữa táo bón: Vỏ cam 250g, cho 2 bát nước vào nấu nhừ, ăn dần trong ngày.
Vỏ cam chữa chứng phù thũng ở sản phụ: Vỏ cam phơi khô, tán bột, mỗi lần uống một thìa cà phê bột này với 30ml rượu nếp, uống mỗi ngày 3 lần trong 3-5 ngày.
Vỏ cam chữa đầy hơi, khó tiêu: Vỏ cam 250g thái nhỏ, lách lợn 1 cái để nguyên, cho vào 3 bát nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn một bát, dùng cả nước lẫn cái.
Hỗ trợ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết: Nước ép quả cam, uống mỗi ngày 3 lần mỗi lần 1 quả 250g.
Vỏ cam chữa chứng ăn không ngon miệng: Vỏ cam 250g, gừng già 50g, tất cả phơi khô, tán bột, trộn đều và uống ngày 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 1 thìa cà phê, liên tục trong 3-5 ngày.
Hạt quả cam làm mặt nạ đắp mặt: Lấy 2 thìa hạt cam cho vào máy xay nhuyễn, hòa lẫn với nước cất chế thành mặt nạ dạng hồ, dùng đắp mặt giúp nâng cao sức đề kháng của các mao mạch làn da, đạt mục đích co, se niêm mạc và da, hạn chế được mụn trứng cá. Tuần đắp 1-2 lần.
Hạt quả cam điều trị phong thấp: Hạt cam phơi khô dưới bóng râm mát đem rang vàng, sau đó tán bột hòa uống 3-5g với nước đun sôi để nguội giúp điều trị phong thấp.
Quả cam hấp muối trị ho: Dùng dao cắt phần dưới của cuống cam để tạo thành hình cái nắp. Tiếp theo, lấy nửa thìa hoặc một thìa cà phê muối đổ vào phần vừa cắt, mang đi hấp cách thủy. Sau khoảng 15-20 phút thì tắt bếp và lấy ra sử dụng.
Ngoài cách hấp, cũng có thể đem quả cam đi nướng khoảng 10 phút rồi lấy ra, bóc vỏ và ăn khi còn nóng. Mỗi ngày làm khoảng 2-3 lần sẽ có tác dụng giảm ho, thông họng.
Vỏ cam trị ho: Dùng vỏ cam pha trà để uống thường xuyên, các cơn ho cũng sẽ được giảm bớt. Để điều trị bệnh theo phương pháp này, bạn có thể thực hiện bằng cách: Bỏ vỏ cam khô hoặc tươi vào nồi, đổ một lượng nước thích hợp rồi đun sôi. Sau đó cho gừng tươi hoặc đường nâu vào khuấy đều, để sôi thêm một chút rồi tắt bếp. Chờ cho nước nguội bớt thì chắt ra ly để uống. Nên dùng khi còn nóng để có kết quả tốt hơn.
Quả cam rất tốt nhưng chỉ nên dùng 2 quả mỗi ngày
Với những lợi ích mà quả cam đem lại cho sức khỏe, bạn có thể lựa chọn bổ sung loại quả này vào chế độ ăn uống mỗi ngày của mình.
Về cách dùng, cam có thể dùng trong bữa ăn nhẹ, làm thành nước uống, các loại sinh tố, thêm vào món salad trái cây... Đi kèm với đó, vỏ của quả cam hay phần cùi, sợi trắng giữa vỏ và trái cây cũng có thể ăn được, và có thể cung cấp vitamin C, kali, chất xơ cho cơ thể.
Trong trường hợp dùng quá nhiều quả cam mỗi ngày, có thể khiến dạ dày khó chịu, gây tình trạng chuột rút, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn. Bởi lúc này, cơ thể bạn tiêu thụ nhiều chất xơ chứa trong mỗi quả cam đã được sử dụng.
Ngoài ra, hấp thụ quá nhiều vitamin C có trong loại quả này cũng có thể làm xuất hiện chứng ợ nóng, nôn mửa, mất ngủ và đau tim, cũng như có khả năng dẫn đến các bệnh về tiết niệu như sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Chỉ nên dùng khoảng 2 quả cam mỗi ngày. Nhất là những người có cơ thể hàn như sợ nước, sợ lạnh hoặc yếu sinh lý không nên ăn nhiều cam.