Sách là cứu cánh xoa dịu những nỗi đau thể xác
“Năm 13 tuổi, trong một lần đang đi xe đạp trên đường, tôi bị ngã xuống mương và phát hiện ra mình không thể tự đứng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, tôi mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ, chứng bệnh khiến tôi phải bỏ dở việc học hành của mình khi mới lên lớp 8. Đối với tôi, thời điểm đó chính là đêm tối của số phận. 13 tuổi, từ một cô bé học sinh chuyên văn, đang có nhiều ước mơ, hoài bão, thích được chạy nhảy như nhiều bạn khác, tự nhiên tôi bị căn bệnh mà bác sĩ nói đến nay không chữa được, cắt đứt con đường đến trường. Tuổi 13, tôi có nhiều khát khao nhưng ý chí thì hoàn toàn chưa có. Khi gặp phải biến cố như vậy, tôi chỉ thấy mình đã rơi vào đêm tối nhất của số phận con người. Và tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Lúc này, sách chính là cứu cánh xoa dịu những nỗi đau thể xác trong tôi”, Bích Lan chia sẻ.
Trong vòng 6 năm, vượt qua khó khăn, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, trong căn phòng nhỏ bé, thiếu thốn, Bích Lan mải miết đọc, học để "hy vọng có thể tìm thấy ánh sáng nào le lói phía trước".
“Những ngày dài ở trong bệnh viện, đối diện với những bức tường trắng, tôi đã đọc không biết bao nhiêu là sách. Giờ tôi lại biết ơn những ngày ấy, sao có nhiều thời gian cho tôi đọc, sao được tặng nhiều cuốn sách hay đến thế?!
“Khi bác sĩ nói là bệnh của cô không có thuốc chữa, nhưng những cuốn sách lại “nói” với tôi rằng, nếu không có gì để bám vào cuộc đời này, thì hãy cố gắng sống để đọc sách. Tôi đã vượt qua cơn đau đớn, tuyệt vọng như thế”.
Phần lớn trẻ em thích sách, điều quan trọng là tạo thói quen đọc cho các em.
Từ thế giới sách, Bích Lan đã học tiếng Anh. Công cuộc dịch thuật không chỉ đòi hỏi tiếng Anh mà đòi hỏi cả phông văn hóa, kiến thức… Chính sách đã cho chị tất cả những kiến thức đó. Và khi đã có chút "vốn liếng" trong tay, Bích Lan lại nghĩ, nếu chỉ học để giết thời gian thì không mở ra lối thoát nào cho trường hợp của mình. Trong 5 năm tiếp theo, Bích Lan mở lớp dạy tiếng Anh và có tới 200 học sinh theo học. Dịch giả, nhà văn cho biết, chị yêu công việc này, nhưng đến khi bệnh tật đánh gục chị một lần nữa, chị đành bỏ dở. "Lúc đó, tôi tìm được con đường dịch sách, và đó chính là lý do vì sao mà tôi nhìn thấy rõ nhất trong đêm tối của mình".
“Lớp 8 tôi phải nghỉ học, hóa ra là một cơ hội. Một cơ hội mang tôi đến với nhà trường không biên giới - nơi tôi tự lựa chọn cho mình những gì thích hợp, muốn học bao nhiêu thì học và không chịu sự chi phối của người khác. Một sự học chủ động - không cần bằng cấp, học để thế giới tinh thần rộng ra, để tôi trở lại cuộc sống bình thường”.
Thêm một người đọc sách, xã hội bớt đi một người manh động
Đến nay, Bích Lan đã dịch trên 30 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, có những tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel. Chị cũng là tác giả của 4 cuốn sách sáng tác, trong đó có tự truyện "Không gục ngã" được nhiều độc giả tìm đọc.
Khuyến khích các bạn trẻ đọc sách, dịch giả Nguyễn Bích Lan cho biết, trong xã hội hiện tại, nhiều người cảm thấy không được an toàn, không được yên tâm. Khi bạn đọc cuốn sách hay, nó giúp bạn yên tĩnh. Đọc sách giúp xoa dịu tinh thần, tạo cho người ta sự yên tĩnh và nếu có một người đọc sách sẽ bớt cho xã hội một con người manh động.
Bích Lan được biết đến như người gieo hạt giống tâm hồn đến với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống.
Đã từng cho mình riêng một ngày chỉ để lướt facebook và đọc thông tin trên mạng, nhưng Bích Lan chỉ cảm thấy rã rời bởi những thông tin vụn vặt, kiến thức không thu được bao nhiêu ngoài sự giao tiếp với người thân qua mạng. “Nhưng khi đọc những cuốn sách văn học hay, tôi thấy mình yên tĩnh. Những cuốn sách giúp xoa dịu tinh thần, giữ cho ta ở vạch nhân văn”, dịch giả tâm sự.
Chính vì vậy, theo Bích Lan, người lớn nên đọc sách để tinh thần an, tĩnh, hiểu biết, giàu cảm thông, yêu thương. Để từ đó, cách làm việc, giáo dục người trẻ cũng nhân văn hơn. Chị cho rằng, khi ta khuyến khích được một đứa trẻ thích đọc sách, điều đó cũng có nghĩa là bạn đã làm được một việc thiện cho mai sau.
Những giải thưởng mà tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã đạt được:
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tác phẩm dịch “Triệu phú khu ổ chuột”.
- Giải đặc biệt cuộc thi sáng tác về “Người khuyết tật và việc làm” do Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động & Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức.
- Giải thưởng Lê Quý Đôn (giải Nhì) cho văn xuôi Học bổng của Jean-Jacques Rousseau của Quỹ Thúc đẩy nghệ thuật Akademie Scholos Solitude của Cộng hòa Liên bang Đức (2013).
- Một trong 8 người phụ nữ đương đại được vinh danh của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
- Nguyễn Bích Lan là 1 trong 6 nhân vật tiêu biểu được vinh danh với “Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài” trong giải Nhân tài Đất Việt 2018.
Thảo Vân/GĐTE