Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội
Người đồng tính, chuyển giới được bố trí phòng giam riêng
Khoản 4, Điều 18 dự thảo Luật tạm giam, tạm giữ quy định người, đồng tính, người chuyển giới, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình, người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần… có thể được bố trí phòng giam riêng khi bị tạm giam, tạm giữ.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), đặt vấn đề: Tại sao chỉ có thể mà không phải là bắt buộc? Khi nào là có thể và khi nào là không thể? Khi có sự cố xảy ra trong quá trình giam chung thì ai là người chịu trách nhiệm?
Theo đại biểu Khá thì bắt buộc bố trí buồng giam riêng các đối tượng trên, bởi đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh rất dễ lây lan, với môi trường ẩm thấp, trật trội như trong buồng giam, bệnh dễ lan truyền từ người này sang người khác. Với người bị kết án tử hình, biệt giam là để giám sát vì họ rất dễ nảy sinh tiêu cực như tự tử , trốn trại, đánh nhau. Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần cũng dễ nảy sinh tiêu cực vì họ không làm chủ được hành vi của mình như đánh người, quấy rối trong buồng giam.
Ngoài các đối tượng trên đại biểu Khá cũng đề nghị cần bố trí phòng giam riêng cho đối tượng là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tuổi, bởi đây là những đối tượng yếu thế.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), đề nghị bỏ từ "có thể" nhằm đảm bảo tính khẳng định của luật đối với các đối tượng quy định tại Khoản 4 trong dự thảo luật là phải được bố trí giam giữ tại buồng riêng. Bởi theo đại biểu Tấn đây là các đối tượng đặc biệt, khác với các đối tượng khác cả về tâm, sinh lý nên cần được giam giữ, bố trí ở buồng riêng để thuận tiện cho việc quản lý, thực hiện các chế độ chính sách.
Nhà tạm giam còn “gắn” với cơ quan điều tra thì còn bức cung, nhục hình
Tách nhà tạm giam, tạm giữ ra khỏi cơ quan điều tra để tránh bức cung, nhục hình
Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 10 của dự thảo Luật), hiện tại ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. Riêng đối với 04 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan CSĐT, Cơ quanANĐT, Bộ Công an quản lý.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ này ra khỏi cơ quan điều tra và giao cho Tổng cục CS và Tổng cục AN trực tiếp quản lý.
Theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân gây ra bức cung, nhục hình, và cả những trường hợp tử vong trong quá trình tạm giam, tạm giữ thời gian qua là do hệ thống nhà tạm giam, tạm giữ bị chi phối bởi cơ quan điều tra, do đó, cần để cơ quan của Bộ Công an quản lý theo ngành dọc hệ thống nhà tạm giam, tạm giữ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), thẳng thắn: dù trại tạm giam ở các cơ quan cấp tỉnh, huyện do cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, công an cấp tỉnh, huyện quản lý cơ bản đã được tách khỏi cơ quan điều tra cùng cấp. Nhưng cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vẫn trực thuộc và chịu sự quản lý của công an cấp tỉnh, huyện. Do vậy, tính minh bạch, tính khách là chưa cao.
Dẫn thực tế, đại biểu Vinh, nói: “không ít vụ việc bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã xảy ra trong quá trình điều tra. Mặc dù việc bức cung, nhục hình xảy ra không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện. Nhưng dù vô ý hay cố ý thì đó cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam”.
Từ thực tế, ông Vinh đề nghị tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc. Giao công tác tổ chức quản lý giam giữ cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý để đảm bảo tính độc lập, tránh việc CQĐT hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra.
Đồng quan điểm là phải tách nhà tạm giam, tạm giữ ra khỏi CQĐT, nhưng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): tạm giữ, tạm giam, tức là đang điều tra và họ có thể vô tội. Do đó, đề nghị nên đưa các cơ sở này về cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình.