Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Tái đàn chậm, giá lợn giống cao, các hộ ít vốn chưa thể khôi phục sản xuất

(Dân sinh) - Dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đàn lợn dần được khôi phục nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại.

Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng Sáu năm 2020 giảm 7,5% so với cùng thời điểm năm 2019, theo Tổng cục Thống kê.

Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 1.636,9 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 816,2 nghìn tấn, tăng 3,3%).

Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. 

Tuy nhiên, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ. 

Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2020 tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3% (quý II đạt 328,6 nghìn tấn, tăng 9,8%); sản lượng trứng gia cầm đạt 7,2 tỷ quả, tăng 11% (quý II ước đạt 3,3 tỷ quả, tăng 11,3%).

Tính đến ngày 25/6/2020, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Kon Tum và dịch tả lợn châu Phi còn ở 238 xã thuộc 60 huyện của 19 địa phương chưa qua 30 ngày (trong tháng Sáu tái phát tại 122 xã của 12 địa phương).

Trong khi đó, chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung ổn định. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Đàn bò phát triển khá do được hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi và có thị trường tiêu thụ tốt, người chăn nuôi có lãi. 

Ước tính trong tháng 6, đàn trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,4%.