Ngày 29/1, Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) có số liệu chính thức về tình hình giao thông trong 7 ngày nghỉ tết Canh Tý 2020, từ ngày 23 đến 29/1 (tức từ ngày 29 đến mùng 5 tết).
Theo báo cáo, toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với tết Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: Giảm 24 vụ (10,8%), giảm 7 người chết (5%), giảm 38 người bị thương (17,9%).
Các địa phương có số người chết giảm nhiều: Sóc Trăng (giảm 6 người chết); Kiên Giang (giảm 5 người chết); Bắc Giang (giảm 4 người chết); Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau mỗi nơi giảm 3 người chết.
Các địa phương có số người chết tăng cao: Bến Tre tăng 5 người chết; Tây Ninh tăng 3 người chết; Đồng Nai, Phú Thọ, Tiền Giang mỗi nơi tăng 2 người chết.
Trong số các vụ tai nạn trên có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người tại Đắk Lắk và Tây Ninh.
Về nguyên nhân tai nạn, số liệu của C08 xác định có: 4 vụ do lái xe vi phạm nồng độ cồn (chiếm 2%); vi phạm phần đường chiếm 18,4%; vi phạm tốc độ chiếm 6,8%; còn lại đang điều tra, chưa rõ nguyên nhân.
Về tuyến đường xảy ra tai nạn, quốc lộ chiếm hơn 50%, thời gian xảy ra tai nạn là buổi tối đến sáng hôm sau (từ 18 giờ đến 6 giờ) chiếm gần một nửa trong các vụ tai nạn trên toàn quốc.
Cũng theo C08, về vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát giao thông đã kiểm tra 35.822 trường hợp và phát hiện, xử lý 3.194 trường hợp (chiếm 8,9%).
Ngày 29/1, trao đổi với Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, nguyên nhân một số địa phương có số người chết tăng chủ yếu ngoài khu vực các thành phố lớn.
Lý do lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn chủ yếu tập trung ở các tuyến quốc lộ, đô thị lớn. Tại các vùng nông thôn, dịp Tết, số lượng thực thi nhiệm vụ trên đường lẫn thiết bị còn rất hạn chế nên chưa xử phạt triệt để người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.
“Theo tôi, để thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ý thức của người dân là chính. Tất nhiên, thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa lực lượng chức năng để xử phạt thật nghiêm tài xế sử dụng rượu, bia. Công tác này phải thực hiện liên tục, không được chùng xuống để người dân hình thành ý thức đã uống rượu, bia không lái xe…”, ông Thái nói.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trật tự An toàn giao thông trong 7 ngày Tết trên toàn quốc về cơ bản được bảo đảm.
Theo Vnexpress, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, số vụ nhập viện do tai nạn giao thông giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt số vụ liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu. Tại Bệnh việt Việt Đức, Chợ Rẫy, số bệnh nhân cấp cứu có cồn chỉ chiếm 7-8% số vụ tai nạn, giảm trên 60% so với năm trước.
Cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã xử lý hơn 19.900 trường hợp, trong đó hơn 3.100 người vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 19,3 tỷ đồng. Hơn 170 ôtô, 2.650 môtô bị tạm giữ, 2.680 người bị giấy phép lái xe. So với Tết Nguyên đán 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.940 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng.
Tết Canh Tý, người lao động được nghỉ từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng (ngày 24/1 đến hết 29/1). Bắt đầu từ ngày 1/1, Nghị định 100/2019 về tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn có hiệu lực.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy 8 triệu đồng; ôtô đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.