Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tại sao cần xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em?

Lao động trẻ em (LĐTE) khiến cho nhiều trẻ phải bỏ học, có những em bị tàn phế về thể chất do hậu quả của lao động quá sức. Một số khác có thể bị xâm hại tình dục hoặc tổn thương tinh thần và bị ảnh hưởng tâm lý trong suốt quãng đời còn lại.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra khái niệm về LĐTE như sau: “LĐTE là công việc khiến trẻ em mất đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân cách và có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ kể cả việc cản trở khả năng đến trường, bao gồm: Những công việc nguy hiểm và gây hại cho trẻ em về mặt tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức, nhân phẩm; Những công việc cản trở việc học tập của trẻ em do lấy đi cơ hội học tập của các em; buộc các em phải nghỉ học sớm; và/hoặc buộc các em phải kết hợp việc học với làm việc nặng nhọc và trong nhiều giờ”.

Tác phẩm “Chăn vịt” của nhiếp ảnh gia Trương Vững (Thừa Thiên - Huế) đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh “Bảo vệ trẻ em - Hãy chấm dứt lao động trẻ em”.

Tác phẩm “Chăn vịt” của nhiếp ảnh gia Trương Vững (Thừa Thiên - Huế) đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh “Bảo vệ trẻ em - Hãy chấm dứt lao động trẻ em”.

Theo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), LĐTE cần được xóa bỏ vì những lý do sau đây:

LĐTE là vi phạm pháp luật: Sử dụng LĐTE là vi phạm các quyền cơ bản của con người, vi phạm quyền trẻ em đã được luật pháp quốc tế và trong nước công nhận, cụ thể như: “Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC)”, Điều 37 Hiến pháp Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016; Luật Lao động năm 2019 (Điều 143, 144, 145, 146, 147), Bộ luật Hình sự năm 2015 (điều 296, điều 297).

LĐTE ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực: Trẻ em là nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước. LĐTE làm giảm chất lượng nguồn nhân lực tiềm năng này bởi trẻ bị mất cơ hội học tập do phải dành thời gian để lao động kiếm sống. Hơn thế nữa, việc lao động sớm sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ do bị tai nạn lao động, làm việc quá sức hoặc bị xâm hại. Bên cạnh đó, LĐTE còn khiến trẻ có nguy cơ cao dễ bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các hoạt động tội phạm hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người, xâm hại, bóc lột tình dục, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh xã hội.

LĐTE ảnh hưởng đến việc làm bền vững và tình trạng đói nghèo: Nguy cơ sức khỏe kém, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nghề nghiệp cần thiết do trẻ có thể bị tai nạn lao động, nghỉ học sớm để lao động sẽ làm giảm cơ hội có được công việc tốt trong tương lai. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp cao, gây hậu quả kéo dài hoặc gia tăng tình trạng nghèo đói trong các gia đình và cộng đồng có lao động trẻ em. Bởi vậy, lao động trẻ em cần phải được nhìn nhận không chỉ là hậu quả, mà còn là nguyên nhân của nghèo đói và kém phát triển.

LĐTE ảnh hưởng đến hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước: Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của mình sử dụng LĐTE gây ra các hậu quả tiêu cực đến tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước bởi việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải tuân thủ những cam kết quốc tế về quyền cơ bản của người lao động, bao gồm 2 công ước liên quan đến loại bỏ lao động trẻ em (Công ước 138 và 182); trong khi đó, nguy cơ và LĐTE tồn tại trong các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp là có thật, đặc biệt cao trong khu vực phi chính thức. Doanh nghiệp sử dụng LĐTE là vi phạm các điều khoản hiệp định thương mại mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế nên những doanh nghiệp này sẽ bị thải loại ra khỏi chuỗi cung ứng, hàng hóa sẽ bị tẩy chay, cấm xuất khẩu, cộng đồng thương mại quốc tế sẽ ngừng hỗ trợ, đầu tư. Hậu quả là không những gây ra thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước mà còn làm mất uy tín, thương hiệu của ngành nghề, của đất nước trên thị trường thương mại quốc tế.

LĐTE ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành việc “Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại; ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức” (mục tiêu 8.7 của “Mục tiêu phát triển bền vững” do Liên hợp quốc đưa ra) mà trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tham gia liên minh toàn cầu về thực hiện mục tiêu này

Theo Báo cáo "Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước" của của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia LĐTE và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Báo cáo cảnh báo số LĐTE trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 8,9 triệu em vào năm 2022.

Ở Việt Nam, Điều tra quốc gia về LĐTE năm 2018 cho thấy, LĐTE từ 5-17 là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5-17 tuổi, trong đó 51,2% thuộc nhóm 15-17 tuổi; 18% ở nhóm 13-14 tuổi và 30,8% ở nhóm từ 5-12 tuổi.