Tế bào ung thư có khả năng sinh sản nhanh hơn tế bào lành nên hóa trị chủ yếu tác dụng trên các tế bào phân chia nhanh. Trong cơ thể, các nang chân lông, tóc có khả năng phân chia nhanh nên bị ảnh hưởng của thuốc. Bệnh nhân ung thư sau khi vô thuốc đặc trị thường sẽ bị rụng tóc khoảng 2 tuần sau đó. Ngoài tế bào tóc, các tế bào da, niêm mạc cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Theo bác sĩ Vũ, mức độ rụng tóc thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ thể của mỗi người. Có bệnh nhân sẽ ít bị rụng tóc hơn người khác. Rụng tóc thường xảy ra từ từ, có thể rụng toàn bộ hoặc từng mảng. Ngoài tóc bị rụng, thuốc còn gây tình trạng tóc bị mỏng và dễ bị gãy hơn.
Cách giúp giảm nhẹ rụng tóc
Chủ động cắt tóc ngắn. Dùng khăn trùm đầu để tránh tóc vương vãi. Sử dụng tóc giả, nếu biết trước sẽ bị rụng tóc, có thể chủ động sử dụng tóc của mình làm tóc giả.
Dùng thiết bị làm lạnh da đầu cũng có thể giảm được độ nặng của rụng tóc. Thiết bị này hiện đã có tại Việt Nam nhưng chi phí còn cao và không ngăn được hoàn toàn tóc rụng.
Sử dụng dầu gội đúng cách, có thể dùng loại dành cho em bé sẽ êm dịu cho da đầu hơn. Không sử dụng thuốc nhuộm, máy sấy tóc, massage da đầu quá mức có thể làm tổn thương da đầu đang nhạy cảm.
Ngoài rụng tóc, bệnh nhân cũng dễ bị sạm da, nám da. Do đó chú ý tránh ánh nắng khi ra đường bằng cách dùng khẩu trang, quần áo, kem chống nắng.
Ăn đủ chất, uống nhiều nước.
Sau khi ngưng thuốc, tóc sẽ mọc lại, thường dày và xoăn hơn sau 4-6 tháng. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ điều trị nhằm tránh các loại thuốc gây rụng tóc nếu có thể. Không nên lo sợ tác dụng phụ mà bỏ qua điều trị.