Gia đình hạnh phúc của anh Hải, chị Ly. Ảnh NVCC
Tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh hiện được ước tính là 114,8 (năm 2018), trong khi mức tự nhiên là từ 102 đến 106. Đây là sự gia tăng đáng kể từ mức 107-108 trong giai đoạn 2000-2005 và 111-112 trong giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý là tỷ số này đã cao ở ngay lần sinh con đầu tiên và đến lần sinh thứ ba thì đã lên đến 115,5-120 căn cứ theo số liệu năm 2014. Trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước thì có tới 4 vùng có tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Mặc dù ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ số này thấp hơn ở khu vực thành thị, nhưng lại rất khác nhau giữa các tỉnh. Cá biệt tại 3 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ số này đã đạt mức cao kỷ lục là 125 vào năm 2016.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học như vậy là do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Tại nhiều diễn đàn quốc tế, gần đây nhất là Cuộc gặp thượng đỉnh Nairobi năm 2019 về chủ đề 25 năm thực hiện các cam kết của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD25) mà Việt Nam là nước tham dự, lựa chọn giới tinh thai nhi được coi là một trong những thực hành có hại. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ ràng vấn nạn này và đã xây dựng các cơ chế chính sách và pháp lý khác nhau để ứng phó. Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác làm như vậy là vi phạm pháp luật. Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Nghị định số 104/2003/ND-CP đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013/ND-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình phạt cho việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là sự ưa thích con trai, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống và hệ thống gia đình gia trưởng cũng như các chuẩn mực xã hội coi trọng con trai hơn con gái. Khuynh hướng này không chỉ hiện hữu ở Việt Nam mà còn ở nhiều xã hội gia trưởng khác trên thế giới.
Để dần xóa bỏ tâm lý, quan niệm trên, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới đến các gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh với thông điệp: cần phải suy nghĩ tích cực và có quan niệm hiện đại hơn, không chỉ đàn ông mới có thể là trụ cột mà ngày nay phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương, chia sẻ các công việc với nam giới trong cuộc sống cũng như phụng dưỡng cha mẹ. Các chiến dịch này đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Câu chuyện của anh Hải Văn Thành (37 tuổi) tại làng Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận là một ví dụ. Vợ chồng anh Hải sinh được hai cô con gái. Rất nhiều người hỏi vợ chồng anh rằng có sinh thêm để có con trai không? Vợ chồng anh cười khẳng định: Dù con trai hay con gái thì chúng tôi cũng đều yêu thương như nhau. Chúng tôi chỉ dừng lại ở hai cô con gái và hạnh phúc với điều này, quyết không sinh thêm lần nào nữa vì chúng tôi muốn làm những điều tốt đẹp nhất để nuôi dưỡng, dạy bảo các con.
Hai bé gái đáng yêu, ngoan ngoãn được cha mẹ yêu thương, tạo điều kiện học tập mà không có sự phân biệt đối xử nào. Ảnh NVCC
Anh Hải cho biết, cũng như mọi công chuyện khác trong gia đình, vợ chồng anh đều bàn bạc để đi đến sự đồng thuận và sau đó đưa ra quyết định chung, tiếng nói chung. Mặc dù vợ chồng anh luôn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm (người Chăm theo Mẫu hệ), nhưng không vì thế mà đặt vai trò và quyền quyết định của người chồng cao hơn hay người vợ cao hơn. Trong gia đình anh, vai trò, trách nhiệm của vợ chồng là bình đẳng.
Anh Hải chia sẻ thêm, nhiều gia đình người Chăm hiện đại là bạn bè anh, đa phần đều như vậy, sinh ít con hơn, thường là hai con, và không có sự phân biệt về điều kiện chăm sóc, học tập và yêu thương giữa con gái và con trai, có sự bình đẳng giữa vai trò và tiếng nói của người vợ và người chồng trong gia đình. Anh Hải - với nhận thức của một người nghiên cứu văn hóa Chăm cho rằng, sự thay đổi này là rất tích cực, giúp cho mỗi gia đình người Chăm và cộng đồng người Chăm ở Việt Nam phát triển, giàu có hơn và gìn giữ, duy trì nét đẹp của bản sắc văn hóa Chăm bền vững hơn.
Đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 bé trai/100 bé gái. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cảnh báo nếu không can thiệp quyết liệt thì sẽ gây hậu quả lâu dài, với dự báo đến năm 2050 VN sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới, việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà kéo theo hệ lụy về nguy cơ kết hôn nhiều lần, tệ nạn mại dâm...
Vân Nhi/TC GĐ&TE