Kết quả của sự "cải tạo cho phù hợp với quy định của Nhà nước, không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên" là gì? Mọi người đều thấy rõ là nó càng trở nên hoành tráng, bề thế hơn so với trước.
Đó là một sự thách thức đầy ngạo mạn đối với luật pháp và là hành động "ngồi xổm trên dư luận"!
Đây là công trình "4 không": Không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, không có văn bản thẩm định của Bộ VH-TT&DL. Chừng đó yếu tố sai phạm đủ cơ sở để cơ quan chức năng ra quyết định phá dỡ công trình ngay từ khi mới phát hiện.
Mặc dù về không gian, công trình Mã Pì Lèng Panorama không nằm trong vùng lõi, vùng 1, vùng 2 bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng. Nhưng thực tế, sự hiện hữu của nó là rất phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới không gian vùng di sản. Như vậy lại có thêm một căn cứ để có thể xóa sổ công trình này.
Thế nhưng, nó vẫn được phép tồn tại qua cái "thông lệ" là "phạt cho tồn tại" - được coi là một "ngách" để mở lối thoát cho những vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng. Không chỉ tồn tại, nó còn được tôn tạo cho to lớn hơn. Sai phạm chồng sai phạm nhưng đối tượng gây sai phạm vẫn bình an vô sự.
Tại sao lại có sự vô lý đến vậy?
Những ngày gần đây, nhiều ý kiến của dư luận một lần nữa đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm sai phạm. Cụ thể là cần dỡ bỏ công trình. Thậm chí còn đề nghị khởi tố vụ án xâm hại di sản. Hẳn những người đưa ra đề nghị này chẳng phải "lòng dạ hẹp hòi" nhưng họ lo nếu cứ để công trình này "ung dung tự tại" mở cửa đón khách, bất chấp những tổn hại nó gây ra cho di sản thiên nhiên sẽ mở ra một tiền lệ rất tai hại trong tương lai: Nhiều công trình sai phạm quy định của Nhà nước, xâm hại di sản ở những nơi khác sẽ tiếp tục mọc lên trong sự "bất lực" của cơ quan quản lý nhà nước.
Một dấu hỏi lớn được đặt ra lúc này: Liệu có ai "chống lưng" cho công trình này hay không? Có thể cơ quan chức năng chưa điều tra để xác minh điều này nhưng không khó để có câu trả lời. Bởi nếu không có sự "chống lưng" thì làm sao nó có thể mọc lên và tồn tại cho đến giờ, dám thách thức luật pháp như vậy?
Báo chí đã liên hệ với nhiều cơ quan chức năng, với nhiều người có trách nhiệm ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), nhưng những lời giải thích cho báo chí đều hoặc là phớt lờ sự thật, hay "đá quả bóng trách nhiệm" đi vòng vo.
Sai phạm của Mã Pì Lèng Panorama là quá rõ ràng và là sai phạm mang tính cố ý. Không có lý do gì để sai phạm tiếp diễn. Cần phải có biện pháp mạnh để xử lý sai phạm của chủ công trình, đồng thời cần quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân liên quan đến sai phạm để có hình thức xử lý kỷ luật, hay thậm chí xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện những vi phạm nghiêm trọng.