Cao ốc 8B Lê Trực xây dựng sai phép trong thời gian dài.
Đề cập đến vụ vi phạm trật tự xây dựng xảy ra ở cao ốc 8B Lê Trực và vườn Quốc gia Ba Vì, ông Huệ bức xúc chỉ ra rằng, công tác quản lý, giám sát đang quá lỏng lẻo. “Sai phạm lớn như thế mà sao bao nhiêu cơ quan chức năng Hà Nội không biết?”, ông Huệ thắc mắc.
Vị đại biểu càng bức xúc hơn khi cho rằng những sai phạm khủng thì việc xử lý dường như lại chậm trễ và có hơi hướng “phạt cho tồn tại”.
“Ở Việt Nam chúng ta có cái vô cùng nghịch lý là phạt cho tồn tại, còn trên thế giới thì chẳng bao giờ có. Đấy là những cái yếu kém, hạn chế chúng ta cần khắc phục”, ông Huệ đề nghị.
Cũng theo ông Huệ, những yếu kém, hạn chế trong quản lý, giám sát không chỉ xảy ra trong lĩnh trật tự xã hội mà còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực khác như chống hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp… “Bán hàng đa cấp lừa đảo, vi phạm pháp luật đã xảy ra nhiều năm, diễn ra công khai nhưng Bộ Công thương chẳng chịu xử lý. Điều đó cho thấy, khâu quản lý, thực thi, giám sát của chúng ta rất yếu dù có trong tay bộ máy tương đối đầy đủ”, ông Huệ nói.
Đề cập đến thực trạng tham nhũng, ông Huệ khẳng định, tham nhũng là do cán bộ, chứ nông dân không có điều kiện để tham nhũng. Tuy nhiên, việc phòng chống vẫn còn rất nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. “Chúng ta nói rất hay nhưng đến lúc xảy ra thì chẳng thấy nói gì”, ông Huệ bức xúc.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bày tỏ sự không bằng lòng trước tình trạng trạm thu phí BOT mọc lên như “nấm sau mưa”. Trong đó có những đoạn đường dài chưa đầy 100km nhưng lại có đến 4 trạm thu phí, khiến cho chi phí đi lại của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Đáng nghịch lý là có nhiều đoạn đường, trạm thu phí BOT mọc lên bằng cách rất đơn giản là “rải thảm lên tuyến đường cũ”.
“Tôi đề nghị chỉ làm BOT trên những đoạn đường, tuyến đường mới 100%. Còn những tuyến đường cũ thì muốn cải tạo, nâng cấp nhà nước sẽ bỏ tiền ra làm và miễn phí. Chứ chỗ nào cũng để BOT làm hết thì người dân không đủ sức để gánh phí”, ông Vẻ nói.