Nhiều bà mẹ phàn nàn con mình "ghê gớm" khi cho con ra ngoài chơi. Mặc dù đã mang theo món đồ chơi yêu thích nhưng con vẫn lao vào tranh giành đồ chơi của các bạn khác. Nếu không mượn hoặc giành được món đồ chơi của bạn, chúng sẽ la khóc.
Trường hợp như vậy là do tính cách tự nhiên của đứa trẻ hay do bố mẹ giáo dục?
Tại sao trẻ em luôn thích lấy đồ chơi của bạn khác?
Thực tế, khi một đứa trẻ thấy một món đồ chơi lạ hoặc món đồ chơi mà chúng chưa có thì lập tức chúng muốn có nó và tranh của bạn. Vì còn nhỏ nên chúng không biết hành vi đó của mình là sai, là lấy của người khác.
Do đó, khi tranh giành lấy đồ chơi của bạn không thành, chúng sẽ khóc lóc để đạt được mục đích của mình. Vậy thì nguyên nhân của việc tranh giành đồ chơi không phải của mình là do sự nuông chiều của bố mẹ.
Để tránh trường hợp đó xảy ra, bố mẹ nên làm gì?
Cha mẹ nên có thái độ rõ ràng với hành động sai của con
Khi thấy con giằng lấy đồ chơi của bạn khác, người mẹ phải có thái độ dứt khoát không đồng ý để con hiểu rằng đó không phải đồ của mình và phải xin phép trước khi dùng. Nếu bạn không đồng ý cho con chơi đồ của bạn thì phải trả lại bạn.
Bố mẹ không vì thương con mà thuyết phục bạn cho con mượn đồ chơi vì điều đó sẽ chỉ khiến con bạn thấy rằng: Mình muốn gì mẹ sẽ chiều nấy.
Cha mẹ không nên la mắng khi trẻ lấy/tranh đồ chơi của bạn
Khi phát hiện con lấy hoặc tranh đồ chơi không phải của mình, bố/mẹ đừng nên mắng con ngay tại chỗ vì sự bực tức của phụ huynh lúc đó là không cần thiết và gây ấn tượng không tốt trong tâm trí trẻ.
Ngoài ra, bé sẽ nghĩ rằng cách giành đồ chơi này có thể thu hút sự chú ý của bố mẹ và trong tương lai cứ khi nào muốn gây sự chú ý với bố mẹ chúng lại áp dụng tới cách này.
Khi thấy con tranh đồ chơi của bạn, bố mẹ chỉ nên giải thích hành động như vậy là không đúng rồi lấy đồ chơi trả lại cho bạn. Khi lặp lại nhiều lần như vậy, bé sẽ hiểu không phải đồ của mình, không được lấy hoặc tranh giành.
Còn nếu trong trường hợp con muốn dùng cách này để thu hút sự chú ý của bố, mẹ thì phụ huynh chỉ cần lờ đi và coi như không nhìn thấy. Lâu dần, trẻ sẽ thấy cách của mình không được mẹ quan tâm, sẽ chán và không lặp lại nữa.
Theo Sohu