Sáng 27/11, Nhật báo Chiết Giang đưa tin nam diễn viên, người mẫu Cao Dĩ Tường đột tử trong quá trình quay show truyền hình thực tế, hưởng dương 35 tuổi.
Theo nhiều nguồn tin, trong quá trình quay, Cao Dĩ Tường liên tục nói "Tôi không thể" với thể trạng mệt mỏi, sau đó đột nhiên ngất xỉu. Anh nhanh chóng được các nhân viên y tế ở hiện trường sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Truyền thông xứ Trung cho rằng Cao Dĩ Tường đã bị chấn thương ở đầu khi thực hiện thử thách do chương trình đưa ra. Trước đó, các nghệ sĩ nam cũng tham gia thử thách và té ngã tương tự.
Thông tin "tài tử đẹp nhất Đài Loan" qua đời sau cơn đột quỵ ở tuổi 35 đã khiến nhiều người kinh hãi, không thể ngờ đột quỵ lại có thể cướp đi mạng sống của một người đàn ông khỏe mạnh nhanh đến vậy. Liệu đối tượng nào dễ đối mặt với cơn đột quỵ nhất? Dưới đây là tất cả những kiến thức mà bạn cần phải nắm được…
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là 1 trong nhiều nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong vì đột quỵ.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Tình trạng này xảy ra khi não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
2. Những nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao hơn hẳn người khác
Theo các chuyên gia, những nhóm người sau dễ bị đột quỵ:
- Người có tiền sử gia đình: Nếu người thân trong nhà từng bị đột quỵ thì bạn sẽ có nguy cơ bị cao hơn những người bình thường.
- Người có tiền sử đột quỵ: Những người có tiền sử đột quỵ sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, đặc biệt là trong vòng vài tháng đầu.
- Người thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Người bệnh đái tháo đường.
- Người bị cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Bên cạnh đó, cao huyết áp còn góp phần gây hình thành các cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
- Người bệnh tim mạch, mỡ máu.
- Người thường xuyên hút thuốc: Người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần vì khói Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch.
- Ăn uống không điều độ, lười vận động…
Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu...
3. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, tuy nhiên nhiều người lại dễ dàng bỏ qua:
- Cơ thể mệt mỏi, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười mèo mó, cảm thấy không còn sức lực…
- Cử động khó, không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể…
- Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng…
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Thời gian "vàng" cho bệnh đột quỵ là 60 phút, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng.
4. Làm sao để phòng ngừa đột quỵ?
Để phòng ngừa đột quỵ, có một nguyên tắc quan trọng mà bạn cần thay đổi đó là điều chỉnh lối sống khoa học, bằng cách
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng.
- Ăn đủ bữa, đúng giờ với những thực phẩm sạch, nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ…
- Tập thể dục thường xuyên: Dành ra ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe.