Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tầm ảnh hưởng của những mô hình giảm nghèo tại Việt Nam rất lớn

Đây là nhận định của nhóm chuyên gia nghiên cứu mô hình “Xây dựng làng mới toàn diện và bền vững” (ISNC) của UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH chiều 18/11.

 

Lực lượng lao động trẻ ở nông thôn là điểm sáng đầy hi vọng

Buổi tiếp do Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Giám đốc dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP chủ trì, với sự tham dự của Cục trưởng Cục Bảo trợ xá hội Nguyễn Văn Hồi, các chuyên gia trong nước dự án PRPP…   

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Được biết, tại Hội thảo triển khai mô hình ISNC diễn ra ở Bolivia từ ngày 29/8 đến1/9/2016, kết quả của Việt nam đã được UNDP Toàn cầu, Tổ chức KOIKA và các nước tham gia đánh giá cao. Do vậy, UNDP khu vực châu Á TBD đã cử một nhóm chuyên gia nghiên cứu mô hình ISNC điển hình tại Việt Nam lần này.

Mục đích của chuyến thăm Việt Nam của đoàn chuyên gia nhằm: khảo sát, nghiên cứu mô hình ISNC điển hình tại Việt Nam để làm cơ sở chia sẻ, nhân rộng trong khu vực và trên thế giới; Thảo luận về định hướng và kế hoạch duy trì, nhân rộng mô hình trong giai đoạn tới, đặc biệt các chuyên gia của UNDP khu vực Châu Á TBD bày tỏ sự quan tâm tới việc lồng ghép hiệu quả hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của Việt nam.

Sau chuyến khảo sát tại 3 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai, nhóm chuyên gia của UNDP đánh giá cao. Bà Nar Conins, cố vấn UNDP khu vực Châu Á TBD cho biết: “Mục đích ban đầu của nhóm nghiên cứu đến Việt Nam là để xem việc thực hiện dự án của VN như thế nào, nhưng trong 1 tuần, gặp gỡ, đi thực địa, thì tầm ảnh hưởng của những mô hình Việt Nam đang thực hiện rất lớn”.

Các chuyên gia của UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, kết quả khảo sát và xây dựng định hướng, kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình giai đoạn 2016- 2020. Trước sự đánh giá cao việc lồng ghép của 2 chương trình quốc gia, Thứ trưởng Đàm cho biết, việc lồng ghép này, nhằm giảm nghèo hướng tới các vùng nghèo nhất. Hai chương trình này gắn bó hữu cơ với nhau, cùng chung mục đích.

Bà Nar Conins cũng cho rằng, quá trình khảo sát đến các thôn, bản và 1 vài hộ gia đình ở 3 địa phương kể trên, đúng như Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề cập, chương trình giảm nghèo của Việt Nam cũng như nhiều nước khác đã làm rất tốt việc thúc đẩy người dân tự vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của mình.

“Đặc biệt trong chuyến khảo sát này, chúng tôi thấy ở Việt Nam, thanh niên đóng vai trò ở cấp thôn bản khá đông, góp sức xây dựng thôn bản. Không như Trung Quốc hay một số nước Châu Á khác, thanh niên đổ ra các đô thị lớn làm việc hết, vì thế Việt Nam có một lực lượng lớp trẻ dồi dào ở nông thôn. Họ chính là thế hệ định hướng phát triển bộ mặt nông thôn trong tương lai”, bà Nar Conins nhấn mạnh và coi đội ngũ lớp trẻ đông đảo ở nông thôn là điểm sáng đầy hi vọng trong phát triển nông thôn của Việt Nam.

Kết quả của chương trình giảm nghèo rất thiết thực với người dân

Cùng với đó, các chuyên gia của UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng chỉ ra, qua chuyến khảo sát, ghi nhận kết quả của chương trình giảm nghèo ở Việt Nam rất thiết thực với người dân. “Ví dụ chúng tôi thăm 1 hộ gia đình, mới 37 tuổi thôi, huy động được xi măng xây đường, kết nối gia đình với thôn bản, giúp các thành viên đi lại thuận tiện hơn, dễ bán được nông sản của mình hơn, rồi nuôi bò, trâu để bán. Khi được hỏi tiền bán bò để làm gì, chủ gia đình hồ hởi bảo dùng để mua xe máy mới. Anh cũng chia sẻ ước mơ của mình đang vạch ra kế họach để kiếm được thêm nhiều tiền hơn, xây mới lại nhà”, bà Zhang Lanying, chuyên gia khảo sát của UNDP ghi nhận.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi (đầu tiên, bên trái) và Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm (thứ 2, từ trái sang)

Theo đó, các chuyên gia của UNDP cho rằng, thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của Việt Nam vô cùng hiệu quả. Đánh vào giấc mơ, hi vọng của người dân, dù nhỏ nhưng đã rất thiết thực cho cuộc sống của họ. Theo đó, việc thực hiện Dự án đã tạo ra những kết quả cụ thể. Ngoài ra, các chuyên gia đặc biệt ghi nhận Dự án tập trung nhiều vào đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, chú trọng chuyển giao công nghệ

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn văn Hồi cho biết, vấn đề cốt lõi nhất của mô hình ISNC là thay đổi tư duy của người dân và từ đó khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo, tiến lên khá giả trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, hợp tác, đoàn kết, thay đổi thói quen hành động, phương thức suy nghĩ tích cực, tránh ỷ lại của người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cùng ông Nguyễn Văn Hồi chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia của UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Đồng thời, ông Hồi cũng nhấn mạnh, cách làm của ISNC là huy động nguồn lực đóng góp của người dân là chính, Nhà nước hỗ trợ chỉ có tính chất "xúc tác", trao quyền, phân cấp mạnh cho cộng đồng làng, xã. Tăng cường vai trò tự quản của địa phương, sự chủ động, tích cực và sáng tạo của cộng đồng làng, xã để phát huy nội lực cộng đồng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm sau khi nghe ý kiến đã trao đổi một cách tổng quan cũng đã cho biết, Việt Nam thực hiện Chương trình giảm nghèo từ 20 năm nay, có nhiều chính sách tác động đa chiều đến giảm nghèo; trong chính sách vĩ mô, có nhiều giải pháp huy động nguồn lực, các kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành. “Trong đó, với sự giúp đỡ của dự án DNPP, góp phần quan trọng để Việt Nam có “chìa khóa” để mở ra hướng đi cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, toàn diện- khơi dậy được tiềm năng, nguồn lực từ cộng đồng, tạo cơ hội điều kiện cho người dân tham gia mọi hoạt động, mọi chính sách”, Thứ trưởng Đàm đánh giá.

 

Việt Nam là 1 trong 6 nước (Bolivia, Lào, Mianma, Ruanda, Uganda và Việt Nam) được sự hỗ trợ triển khai Hợp phần ISNC thông qua Dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và cơ quan Viện trợ Ailen (IA) tài trợ.

Qua 2 năm thực hiện, (2015- 2016), Bộ LĐ-TB&XH và dự án đã hỗ trợ các bộ, ngành liên quan và 8 tỉnh để truyền thông nâng cao nhận thức; phát triển các công cụ, kỹ năng, phương pháp để tăng cường kỹ năng lãnh đạo, phát triển cộng đồng để áp dụng trong thiết kế và thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (2016- 2020). Kết quả này được các cơ quan hưởng lợi và tài trợ ghi nhận, đánh giá cao.