Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Hà thường xuyên động viên hội viên phát huy tinh thần tự lực tự cường trong phát triển kinh tế, phấn đấu giảm nghèo nhanh bền vững. Thông qua các hoạt động phát triển kinh tế như vay vốn phát triển sản xuất, thành lập doanh nghiệp, dịch vụ, mở rộng trang trại… đã tạo việc làm cho nhiều lao động là cựu chiến binh và con em của cựu chiến binh. Cùng với đó, Hội Cựu chiến binh thường xuyên vận động các hộ cận nghèo mua bảo hiểm y tế, động viên các cháu tiếp tục học trung học và học nghề. Phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, không mắc các tệ nạn xã hội, gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống… 
 
Xung kích trên mặt trận xóa đói giảm nghèo
 
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, đông đảo hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Hà đã chủ động thực hiện tốt các phong trào thi đua; tích cực lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
 
Gần 50 năm gắn bó với xã vùng cao Bảo Nhai, ông Đặng Xuân Bang - một cựu chiến binh gương mẫu, tâm sự: Các cựu chiến binh được học tập và rèn luyện trong quân ngũ luôn giữ cho mình ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
 
Hội viên Cựu chiến binh Giàng Seo Sáng sinh năm 1948, dân tộc Mông, hiện đang sinh sống tại thôn Pờ Chồ 1, xã Lầu Thí Ngài. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 4/4/1968, ông lên đường nhập ngũ thuộc Quân khu Tây Bắc, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum), nước bạn Lào, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và giúp Campuchia giải phóng dân tộc.


Ông Đặng Xuân Bang (xã Bảo Nhai) – Cựu chiến binh gương mẫu của huyện Bắc Hà.
 
Tháng 7/1978, ông phục viên về gia đình. Sau hơn 10 năm cùng vợ con bám nương, trồng trọt, chăn nuôi mà kinh tế vẫn không khá lên được, bao nhiêu đêm trăn trở suy nghĩ, với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông nghĩ, phải làm gì để phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Với địa hình rừng núi, thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở Bắc Hà, ông suy nghĩ chỉ trồng cây sa mộc (thông) là phù hợp. Nung nấu ý chí thoát nghèo, ông quyết tâm thực hiện và được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Công ty Lâm nghiệp huyện Bắc Hà (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ 661) cấp bán cây giống với giá ưu đãi. Đến nay, cây đã cho khai thác, bình quân mỗi cây trị giá 400.000 đồng. Từ ý chí quyết tâm và nghị lực vươn lên, ông đã tạo được lòng tin, sự yêu mến, kính phục của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân nơi ông sinh sống. Hàng năm, gia đình ông đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hội viên cựu chiến binh gương mẫu, sản xuất giỏi.
 
Anh Triệu Phúc Vầy, sinh ngày 23/3/1979, dân tộc Dao, hội viên cựu chiến binh xã Nậm Đét. Năm 2004, anh Vầy hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương. Với rất nhiều khó khăn, gian khổ, lại là hộ nghèo của xã, nhưng cũng với phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, năm 2012, anh Triệu Phúc Vầy quyết định về Yên Bái xin vào làm việc ở Công ty sản xuất dầu quế. Anh Vầy quyết tâm nắm bắt một số công việc và kinh nghiệm trong sản xuất và chế biến tinh dầu quế.


Anh Triệu Phúc Vầy (đứng giữa)  chủ nhiệm HTX quế hữu cơ Nậm Đét.

 Năm 2013, cựu chiến binh Triệu Phúc Vầy trở về nhà, bàn bạc với vợ vay ngân hàng 200 triệu đồng mua 1 xe ô tô tải để vận chuyển vật liệu cho bà con và mua bán quế, từng bước đưa kinh tế hộ gia đình phát triển. Đến năm 2015, anh đã trả hết nợ ngân hàng và đầu tư mua thêm một xe ô tô tải. Năm 2018, anh Vầy thành lập Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét. Từ tháng 2/2019 đến nay, Hợp tác xã đã xuất bán 950 tấn quế ống đã qua sơ chế, trừ chi phí, mỗi tấn quế có lãi suất bình quân 1,5 triệu đồng. Hợp tác xã duy trì giải quyết việc làm cho 21 lao động là hội viên cựu chiến binh và nhân dân trên địa bàn. Từ sự cố gắng vươn lên, năm 2019 gia đình anh đã xây dựng căn nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. 

 
Anh Sùng Seo Pao, dân tộc Mông, hội viên cựu chiến binh thôn Ngải Phóng Chồ, xã Thải Giàng Phố. Năm 2010 hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng ngô. Được sự quan tâm giúp đỡ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh vay 50 triệu đồng và mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất sang nuôi chim bồ câu Pháp. Năm 2017, anh nuôi hơn 20 đôi chim, đến nay đã phát triển từ 150 đến 200 đôi. Thu nhập bình quân (trừ chi phí) từ 7 triệu đến 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo chủ trương của xã, anh đã chuyển đổi trồng cây dược liệu (1ha xuyên khung) cho thu nhập 50 triệu đồng/năm và 1,5 tấn ngô/năm. Nhờ phát triển mô hình sản xuất đúng hướng, gia đình hội viên cựu chiến binh Sùng Seo Pao vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 
 
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới, những người lính năm xưa không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, bản thân, mà còn nhiệt tình trong việc tìm sinh kế, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân trên địa bàn làm ăn để thoát khỏi đói nghèo.
(Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp thực hiện)
 

Thành Sơn/GĐTE