Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Tấm khiên” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Thời đại công nghệ 4.0, việc "sống chung" với điện thoại, máy tính là điều không thể tránh khỏi và nguy cơ trẻ nghiện game online cũng từ đó tăng lên. Thời gian qua, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành góp phần dựng nên các “lá chắn” để bảo vệ trẻ em khi tham gia mạng xã hội. PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã chia sẻ với phóng viên Vì trẻ em về vấn đề này.

Thưa PGS.TS.Trần Thành Nam, hiện có rất nhiều trẻ nghiện game. Nguyên nhân do đâu khiến game online thu hút giới trẻ đến vậy?

PGS.TS Trần Thành Nam: Trẻ nghiện game vì bản chất game có nhiều yếu tố khiến người chơi dễ bị hấp dẫn như: tính sắm vai, tính mạo hiểm, ganh đua, chiến thắng, phần thưởng... Trên game các em có thể ẩn danh, thoải mái tán gẫu (chat), kết bạn, hẹn hò, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân… hay tạo dựng hình ảnh cá nhân theo cách mình muốn mà trong cuộc sống thực không thể có được. Trên game, các em được phép sai lầm - điều mà trong cuộc sống các em cho rằng không thể.

PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Ảnh: NVCC

PGS.TS.Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, một trong những lý do phổ biến của việc nghiện game là do các em buồn chán vì vậy cần tạo dựng những hoạt động thú vị ngoài đời thực phù hợp với sở thích nguyện vọng để khuyến khích các em.

Nhiều em dùng game để trốn tránh khỏi những vấn đề tâm lý như lo âu trầm cảm và thất bại cuộc sống. Vì vậy, cần có hệ thống sàng lọc đánh giá phát hiện sớm và tư vấn các vấn đề tâm lý học đường cho các em.

Trẻ nghiện game dẫn tới bỏ bê học hành, tương lai các em sẽ đi về đâu thưa anh?

PGS.TS Trần Thành Nam: Có thể hình dung về tương lai của những em nghiện game: không tiền, không giáo dục, không có cuộc sống, thất bại học đường, mất việc, mất các mối quan hệ. Bởi với game thủ tất cả đều dành cho game mà nó không mang lại điều gì hữu ích cho cuộc sống của họ, cũng không đóng góp một giá trị hữu ích nào cho xã hội…

Hiện nay, mới có một số ít trường có cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, ngành Giáo dục cần kích hoạt hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý, tăng cường giáo dục nhận thức về tổn thương sức khỏe tâm thần thế nào để hỗ trợ các em toàn diện, để học sinh sử dụng mạng xã hội theo hướng có ích nhiều hơn?

PGS.TS Trần Thành Nam: Những cán bộ tâm lý học đường bên cạnh những kiến thức và kỹ năng can thiệp trị liệu tâm lý cũng cần trang bị năng lực nhận diện nguy cơ nghiện và lạm dụng game, có kỹ năng chăm sóc và hỗ trợ trẻ trong việc tái định hướng sử dụng game theo mục đích giáo dục... Bên cạnh đó, chúng ta cần có những kiến thức chung về những tiềm năng mà trẻ được hưởng lợi trên môi trường internet và rõ 5 nguy cơ thường thấy khi tham gia môi trường này cụ thể là: Các vấn đề liên quan đến mất cân bằng trong việc sử dụng internet và cuộc sống thực; Các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin; Các vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch, tin giả, thông tin đồi trụy, thông tin không phù hợp với lứa tuổi; Các vấn đề liên quan đến bạo lực, bắt nạt, quấy rối và xâm hại trực tuyến; Các vấn đề liên quan đến virus, và các phần mềm độc hại.

Trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn trên không gian mạng. Ảnh: T. Quyên

Trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn trên không gian mạng. Ảnh: T. Quyên

Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã được phê duyệt, Chương trình có tính liên ngành cao. Theo PGS. TS. Trần Thành Nam cần làm gì để chương trình này thực thi hiệu quả?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng, cùng với Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và chương trình này, chúng ta đã có đầy đủ cơ chế và các nguồn lực để thúc đẩy bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Để thúc đẩy các mục tiêu này, chúng ta cần thực thi nghiêm túc các chiến lược:

1. An toàn mạng cho tất cả:

Tạo một điểm truy cập trực tuyến duy nhất trên hệ thống thông tin (gov) của chính phủ, qua đó mọi người đều có thể truy cập tất cả các tài nguyên về an toàn mạng hiện có.

Xem xét, củng cố và bổ sung các nguồn lực để hỗ trợ cho hệ thống xử lý và hướng dẫn các vấn đề an toàn mạng.

Trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng và các chính sách liên quan, quyền công dân trong môi trường mạng.

Khuyến khích những người không sử dụng Internet học tập các kỹ năng sử dụng máy tính và trực tuyến thông qua các lớp học dựa vào cộng đồng.

2.Tăng cường sự hỗ trợ

Xây dựng các chương trình giảng dạy cơ bản và nâng cao về sử dụng mạng an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên tại trường học.

Phối hợp giữa trường học, gia đình trong việc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ sử dụng mạng an toàn.

Hỗ trợ sự tham gia của trẻ vào các hoạt động ngày kỷ niệm Internet an toàn và các sáng kiến ​​của trẻ trong việc sử dụng mạng an toàn.

Xây dựng các công cụ đăng ký trực tuyến và qua điện thoại để tiếp nhận và hỗ trợ trực tuyến từ xa cho các vấn đề trên mạng và vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan.

Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao nhận thức để xây dựng khả năng ứng phó và hỗ trợ bạn bè cho trẻ em và thanh thiếu niên.

3.Xây dựng và bảo vệ chặt chẽ

Lập pháp cho các tội hình sự mới liên quan đến mạng Internet.

Đảm bảo rằng An toàn Trực tuyến được đề cập cụ thể trong các tuyên bố về bảo vệ trẻ em theo luật định.

Tăng cường liên kết và quy trình với các cơ quan liên quan để loại bỏ tài liệu bất hợp pháp và độc hại.

Làm việc với các nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Việt Nam để nâng cao các biện pháp sử dụng mạng an toàn.

Làm việc với các cơ quan liên quan để xây dựng các hướng dẫn thực hành cho các nền tảng trực tuyến và các dịch vụ tương tác nhằm hỗ trợ thực hiện tốt nhất về an toàn mạng.

4.Xây dựng và điều chỉnh chính sách bám sát thực tiễn biến đổi

Làm việc với các cơ quan liên quan và quốc tế để tích cực thúc đẩy xây dựng môi trường mạng an toàn trong và ngoài nước.

Sửa đổi khung quy định đối với các dịch vụ phương tiện nghe nhìn theo yêu cầu.

Theo dõi và điều chỉnh các chính sách, quy định liên quan đến sử dụng mạng an toàn hiện hành (nếu cần).

5.Tiếp tục nghiên cứu và phát triển môi trường mạng an toàn

Xuất bản báo cáo về việc sử dụng Internet an toàn hàng năm.

Thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia về An toàn trên môi trường mạng.

Hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch Hành động thông qua tham vấn, lấy ý kiến từ trẻ em và thanh thiếu niên và các bên liên quan.

Đảm bảo rằng các hoạt động phù hợp với phối hợp hiệu quả với các công việc của chính phủ.

Đảm bảo có quy trình giám sát chặt chẽ đối với việc thực hiện kế hoạch này.

Đảm bảo có nguồn vốn phù hợp và nguồn lực cho việc thực hiện và phát triển các chương trình, sáng kiến sử dụng mạng an toàn.

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam.