Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì

Từ ngày 17/6 đến ngày 9/7/2023, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em”. Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của Bệnh viện và là năm thứ 7 liên tiếp Bệnh viện tổ chức chương trình này.

Đông đảo bậc cha mẹ đưa trẻ đến thăm khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, năm 2022.

Đông đảo bậc cha mẹ đưa trẻ đến thăm khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, năm 2022.

Chương trình hỗ trợ tầm soát miễn phí cho tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi. Chương trình nhằm giúp phát hiện sớm các trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH) và các bệnh lý liên quan đến tăng trưởng chiều cao của trẻ, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời để có thể giúp trẻ đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bắt đầu triển khai từ năm 2017, tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 2.000 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là gần 200 trẻ. Trong năm nay, dự kiến chương trình sẽ tiếp nhận khoảng hơn 400 trẻ đến thăm khám. Chương trình sẽ được triển khai trong 4 tuần với 8 buổi khám.

TS, BS Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Bệnh viện luôn quan tâm đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao. Chương trình tầm soát này nhằm nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các bậc cha mẹ đến tình trạng sức khỏe của trẻ và giúp cải thiện chiều cao, đồng thời góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Việt. Năm nay, chương trình triển khai sớm hơn mọi năm nhằm giúp nhiều trẻ có cơ hội tầm soát sớm từ ngay đầu mùa hè. Bên cạnh đó, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã trở thành khoa mũi nhọn trong việc điều trị tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ em. Nhờ tầm soát kịp thời của các bác sĩ chuyên môn tại bệnh viện, trẻ em sẽ có cơ hội để cải thiện chiều cao sớm khi trưởng thành”.

Theo dõi chiều cao của trẻ để sớm phát hiện bất thường.

Theo dõi chiều cao của trẻ để sớm phát hiện bất thường.

Chương trình tầm soát được áp dụng cho trẻ trước tuổi dậy thì và sẽ bao gồm các bước kiểm tra chiều cao, cân nặng và khảo sát các triệu chứng chậm tăng trưởng để đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp. Trẻ cũng được chụp X-quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo, bao gồm việc xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác trong cơ thể.

Vì vậy, khi tham gia tầm soát, bậc cha mẹ cần cung cấp những thông tin về tiền sử lúc sinh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ trong 6 tháng trở lên để các bác sĩ có những đánh giá sơ bộ bước đầu.

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, bậc cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6-10cm mỗi năm. Bé trai tăng từ 6,5-11cm mỗi năm. Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, GH… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3.000-1/4.000, nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.

BS CKI Trần Thị Ngọc Anh thăm khám cho một trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao.

BS CKI Trần Thị Ngọc Anh thăm khám cho một trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao.

Cũng theo Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: "Nếu xác định bệnh nhi bị thiếu GH và cần thiết điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung GH mỗi ngày. Trẻ thiếu GH được điều trị sớm (ngay từ lúc trẻ bắt đầu chậm tăng trưởng chiều cao) sẽ thấy rõ hiệu quả, trẻ sẽ phát triển gần như trẻ em bình thường khác. Trong một số trường hợp, điều trị sớm có thể giúp trẻ đạt chiều cao bình thường, hoặc gần như bình thường theo di truyền từng trẻ. Giai đoạn vàng để điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ là trước tuổi dậy thì vì sau giai đoạn này, sụn xương trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả. Hiện tại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng đang điều trị cho khoảng hơn 80 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH”.