Hình ảnh biển chiều thật đẹp.
Các bức tranh thể hiện rất hài hòa với thiên nhiên
Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ Hàn Quốc, nhóm sinh viên tình nguyện từ tỉnh Gyeongbuk, Câu lạc bộ Mỹ thuật Tam Kỳ và người dân địa phương, sau hơn 20 ngày miệt mài vẽ, những ngôi nhà vốn rêu phong phủ kín của làng chài Trung Thanh nay được khoác lên mình tấm áo màu sắc mới bắt mắt. Những mầu sơn như xanh da trời, vàng, cam, xanh lá mạ được các họa sĩ chọn làm những mầu chính, phủ lên các bức tường trong làng. Những mầu sắc này khi gặp ánh nắng chan hòa, dường như rực rỡ hơn. Từ xa trông lại, ngôi làng lấp lánh màu sắc nhưng vẫn không tách rời khỏi thiên nhiên xung quanh.
Những con đường trước được xây bằng gạch trần, rêu bám nay cũng được làm sạch, sơn mầu và vẽ lên những họa tiết trang trí rất bắt mắt, nó giống như sự dẫn dụ người tham quan bằng mầu sắc.
Đi một vòng quanh làng, ta sẽ thấy những bức tranh phong phú chủ đề gồm phong cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân làng biển và nhân vật hoạt hình vui nhộn cho trẻ em. Phong cách được các họa sĩ Hàn Quốc sử dụng ở đây phần lớn là tả thực, cho thấy sự tinh tế của các họa sĩ khi lựa chọn phong cách thể hiện rất hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó là phong cách hoạt hình ngộ nghĩnh và một vài bức theo phong cách PopArt.
Có thể thấy ngay bức tranh chân dung người đàn ông với nụ cười tươi tắn ở ngay đầu làng, nhiều hình ảnh thiếu nữ Việt Nam trưng bày ở khoảng giữa làng, còn phía cuối làng có tranh chân dung một em bé đang nhìn ra biển, bức tranh này làm cho khách tham quan đứng lại nhiều nhất bởi nó chứa đựng ý tưởng của những họa sĩ Hàn Quốc đã gửi gắm: Hãy giữ biển cho thế hệ con cháu chúng ta. Những hình ảnh lao động hàng ngày của người dân làng Trung Thành cũng được các họa sĩ đưa lên những bức tường. Nào chợ cá ban sớm, nào thiếu nhi chơi bóng, có bức tranh tả cảnh chiều trên biển với tông mầu đen đỏ thật ấn tượng. Những nhân vật cổ tích như thần đèn trong bộ phim Aladin, các con voi, con cá cũng được đưa lên ở tường của các ngôi nhà.
Có một bức tranh vẽ một người đàn ông đang ngồi may, dưới có một bé trai, bên cạnh có một người phụ nữ đang âu yếm người con gái. Được biết, bức tranh này được họa sĩ lấy mẫu từ những chủ nhân của ngôi nhà, đó là vợ chồng anh Vinh - người đàn ông làm nghề thợ may cùng vợ và hai con nhỏ. Chủ nhân ngôi nhà rất xúc động trước bức ảnh vẽ tất cả thành viên trong gia đình lên tường nhà.
Một chú cá đang hướng ra biển.
Hãy giữ biển cho thế hệ con cháu chúng ta
Bãi biển Tam Thanh đang có nhiều cơ hội lớn để phát triển du lịch. Để đón đầu, một chương trình giao lưu, liên kết đã được triển khai ở xã Tam Thanh là Dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt, được UBND TP. Tam Kỳ và Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (The Korea Fuondation - KF) đồng tổ chức. Dự án được thực hiện bởi các họa sỹ đến từ Hàn Quốc cùng với sự tham gia của các Tình nguyện viên Việt Nam, Hàn Quốc, Câu lạc bộ Mỹ thuật xã Tam Thanh và nhân dân làng Trung Thành - xã Tam Thanh.
Lấy hình mẫu từ những làng bích họa nổi tiếng tại Hàn Quốc, Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ông Park Kyoung Chul, Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng: Dự án Mỹ thuật Cộng đồng Hàn - Việt được triển khai tại xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ là dịp để giao lưu, chia sẻ ý tưởng nghệ thuật, kinh nghiệm tổ chức và phát triển nghệ thuật cộng đồng giữa hai quốc gia. Những tình nguyện viên mong muốn góp phần làm thay đổi diện mạo một làng quê, thúc đẩy du lịch phát triển, giúp cho người dân địa phương được sống trong không gian văn hóa nghệ thuật thực sự và nâng cao ý thức, trách nhiệm, lòng tự hào của người dân.
Những công việc thường ngày như bán cá cũng được làm thành tranh tường.
Về chất lượng nghệ thuật có lẽ còn cần phải bàn, nhưng những yếu tố lạ, mới, gắn với cuộc sống và hòa hợp với thiên nhiên của những bức tranh trên tường kia đã là thành công của Dự án. Tuy mới khai trương vào tháng 6/2016, nhưng ngôi làng đã đón rất đông khách tham quan.Trung bình 300-400 khách mỗi ngày.
Do những yếu tố trên, nên dù mới chính thức khánh thành vào ngày 28/6/2016, nhưng số lượng khách tới tham quan ngôi làng này đã nhanh chóng tăng lên mỗi ngày. Đây là một yếu tố góp phần giúp phát triển tình hình kinh tế địa phương. Những dịch vụ trông xe du lịch, giải khát, ăn uống bắt đầu được hình thành. Cáclên để chờ cơ hội kinh doanh.
Có thể nói, Dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn Việt đã thành công. Có lẽ, chúng ta cần nhiều hơn nữa những dự án tương tự, bởi các làng chài ven biển của miền Trung cũng cần những sự đổi mới về bề ngoài, sự lạ lẫm về hình ảnh để trở thành các điểm tham quan của du khách. Với ý tưởng đã thực hiện tại xã Tam Thanh, chúng ta cần sự phát triển hợp lý, đa dạng, phong phú thì hy vọng một ngày không xa, các làng chài ven biển Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch tuyệt vời đối với du khách trong nước và quốc tế.
Anh Chi/Tạp chí GĐ&TE