“Tám triều vua Lý” - ấn phẩm giàu giá trị với những hàm ý, thông điệp nói về thế sự hiện tại.
“Tám triều vua Lý” gồm 4 tập: “Thiền sư dựng nước”, “Con ngựa nhà Phật”, “Bình Bắc dẹp Nam”, “Con đường định mệnh” cho ta biết vì sao Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô và biến nước Đại Việt từ nghèo nàn, thô phác thành một nước phú cường, văn thịnh, võ trị; một nước văn hiến vào loại sớm so với trình độ chung của nhân loại; các lễ nghi, phong tục, hội hè từ làng xã đến cung đình; võ công oanh liệt trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm để bảo vệ nền độc lập, mở mang bờ cõi...
Nhà văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bình luận: “Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đều viết cho hiện tại. Chọn triều đại nào, nhân vật nào trong lịch sử thì bản thân sự lựa chọn ấy đã hàm ý một thông điệp nói về hiện tại. Đọc tiểu thuyết lịch sử là đọc cách cắt nghĩa, cách nghĩ về hiện tại của nhà văn”.
Để viết bộ tiểu thuyết lịch sử này, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dốc cả tâm lực và trí tuệ trong gần 20 năm, trước hết là để tri ân các bậc tiền nhân và sau đó là nhắn nhủ với bạn đọc rằng mỗi tấc đất của chúng ta đều thấm máu cha ông. “Tôi muốn gửi một thông điệp cho thời đại. Chúng ta khao khát một nhà nước của nhân dân, một nhà nước biết giữ liêm sỉ của quốc gia mà không để kẻ thù lấn át. Trong quá khứ lịch sử, chúng ta nhu nhưng không nhược, yếu nhưng không hèn. Vậy nay chúng ta là con cháu, nếu không làm được như các tiền nhân thì quả là bất hiếu”.Khi được hỏi, “Ông hư cấu lịch sử đến mức nào?”, Hoàng Quốc Hải trả lời: “Đến chân thực”. Quả thật, nhập tâm vào những trang tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải, người đọc tưởng như chính tác giả đã sống ở thời ấy, là nhân chứng của những sự kiện lịch sử ấy, đồng thời được trải nghiệm sự cuốn hút mà sự kết hợp giữa văn chương và lịch sử tạo nên. Ngòi bút Hoàng Quốc Hải đã phục dựng hình ảnh, không khí, sự kiện của quá khứ, đó là tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay.
Nhà văn, nhà phê bình văn học Bùi Viết Thắng cho biết: “Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết thế nào mà hơn 3.000 trang sách chỉ dựa vào 200 trang chính sử trong “Đại Việt sử ký toàn thư”? Tư Mã Thiên từng nói, dựa vào chính sử rất ít, phải dựa vào dã sử, dân sử, truyền thuyết, huyền thoại... mà viết. Vậy đó, không phải là những nhà chép sử mà chính các nhà văn đã viết lại lịch sử. Một câu nói của Hoàng Quốc Hải mà tôi rất thích, đó là “nhà văn đứng về phía nhân dân để viết””.
Tác giả, nhà văn Hoàng Quốc Hải (phải) và nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi tọa đàm về bộ sách.
Với nguồn sử liệu ít ỏi còn lại về thời nhà Lý, ngoài các bộ sử chính thống của các triều đại, nhà văn còn tham khảo các kho sách Hán - Nôm, sử liệu của Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản, ngoài ra còn có nguồn dã sử như: Truyện dân gian, truyền thuyết, gia phả, thần phả, hoành phi, câu đối và rất quan trọng là nguồn sử liệu trong Phật giáo. Trong 20 năm, nhà văn đã thực hiện những chuyến điền dã (có lần kéo dài tới 10 tháng) tới những vùng miền khác nhau thu thập sử liệu. Tác giả còn có sự so sánh đối chiếu với lịch sử nhà Tống (Trung Quốc) là thời đại song song với nhà Lý nên cung cấp được nhiều thông tin hai chiều, khách quan, tránh được những kết luận võ đoán do thiếu tư liệu, rất dễ xảy ra khi viết tiểu thuyết lịch sử.Ngôn ngữ được đánh giá là một thành công của bộ sách, không hiện đại mà cũng không quá cổ điển nhưng lại thể hiện được không khí thời xưa. Bên cạnh đó, diễn biến và tiến trình câu chuyện nhanh, phù hợp với bạn đọc hiện đại. “Ngôn ngữ cũng là một phần biểu hiện của văn hóa một thời”, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Bích Lan nhận xét: “Hoàng Quốc Hải có cách lý giải riêng, cho thấy ông đã tìm hiểu sâu vấn đề. Nhưng các câu trả lời của ông cũng gợi ý rằng người đương thời khi nhìn lại lịch sử đều có quyền và có cách đánh giá của riêng mình đối với các sự kiện đã diễn ra. Tôn trọng lịch sử nhưng không để nó chi phối, đó là quan điểm của ông”.