Ăn hải sản, không được uống bia
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản yêu cầu Văn phòng UBND TP Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 5/5, phải yêu cầu bộ phận căng tin tại trung tâm hành chính sử dụng hải sản để chế biến các món ăn phục vụ cán bộ, công chức ăn trưa.
Theo đó, hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức TP, trong đó có cả Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Giám đốc các Sở, ban ngành sẽ ăn cá tại căng tin trong ít nhất một tuần, kể từ ngày 5/5.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của thành phố.
“Hôm 4/5, mỗi Sở từ 6-10 người đã tham dự bữa cơm trưa tại khu căng tin, trong đó có cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch cùng dự. Tinh thần của Đà Nẵng là tạo ra một nét lạ để cổ động bà con ngư dân và khẳng định biển Đà Nẵng an toàn không chỉ trong hải sản mà còn trong nước biển.
Trưa 5 và trưa 6/5 vẫn sẽ tiếp tục. Theo kế hoạch dự kiến triển khai ăn cơm trưa với hải sản trong 1 tuần. Bữa nay thì hải sản tập trung nhiều hơn. Những bữa trước thì cũng có canh bí, đậu xào, đa dạng phong phú trong thực phẩm”, ông Vĩnh khẳng định.
Theo ông Vĩnh, không chỉ có Sở Giáo dục và Đào tạo mà nhiều sở, ban ngành khách trong thành phố cũng nhiệt tình ủng hộ việc này.
Cán bộ công chức Đà Nẵng dù đồng thuận chủ trương của thành phố ăn trưa cùng hải sản nhưng cũng lo ngại nếu sử dụng nhiều quá cũng không tốt.
“Toàn bộ bữa ăn này UBND thành phố đều miễn phí. Ăn trưa vừa ủng hộ ngư dân vừa trò chuyện vui vẻ. Tôi thấy rằng đây cũng là điểm riêng của thành phố Đà Nẵng trong việc cán bộ hòa nhập cùng người dân, thể hiện cái tình đoàn kết với ngư dân”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Cùng đưa ra quan điểm, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở công thương Đà Nẵng khẳng định, việc lãnh đạo thành phố định hướng dư luận khi yêu cầu các cán bộ ăn cơm trưa với hải sản là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay.
“Chúng tôi ăn cơm trưa hải sản rồi dùng một nửa ly nước trà, chứ không phải bia hay rượu gì cả. Hôm nay tôi vẫn tiếp tục ăn tại căng tin còn ăn trong bao lâu thì do lãnh đạo thành phố. Hiện nay các chợ cá đã làm việc bình thường rồi, người dân đã ra khơi và cá đã về cảng rồi”, ông Bắc nói.
Ăn nhiều hải sản cũng không tốt
Dù đồng tình với chủ trương của thành phố, nhưng Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng lưu ý, chỉ nên dùng thực đơn trên trong một thời gian nhất định để ổn định tình hình địa phương, nếu triển khai lâu sẽ tạo cảm giác không ngon miệng khi ăn đồ hải sản.
“Không phải lúc nào mình cũng có thể ăn cá, phải ăn những thứ khác nữa mới đảm bảo sức khỏe”, ông Bắc chia sẻ.
Cũng là người tham dự bữa trưa cùng lãnh đạo thành phố hôm 4/5, BS Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở y tế Đà Nẵng cho hay, cán bộ công chức đều tỏ ra yên tâm khi dùng cơm với hải sản.
“Chúng tôi đều vui vẻ dùng bữa trưa, không ai lo ngại gì cả. Bữa ăn toàn bộ là hải sản gồm cá, tôm, mực...cùng một đĩa rau ăn kèm.
Vì miền Trung sống với biển nên từ nhỏ đến lớn ai cũng quen ăn cá, hải sản rồi. Trong thực đơn hàng ngày không có những món ấy thì sẽ thấy thiếu thiếu.
Qua những vấn đề giải quyết của thành phố, tôi thấy rằng lãnh đạo rất quan tâm đến từng vấn đề an sinh xã hội và việc giải quyết kịp thời này đã tạo được niềm tin và trấn an dư luận”, bà Yến khẳng định.
Tuy nhiên vị Giám đốc Sở y tế cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh hợp lý trong thực đơn hàng ngày nếu sử dụng hải sản trong một thời gian dài cũng không đảm bảo dinh dưỡng.
“Trong thực đơn bao giờ cũng phong phú vừa có hải sản, vừa thịt, cá, rau. Hải sản cũng là một món ăn rất tốt, có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên cũng cần phải ăn hợp lý, nếu ăn nhiều cá, hải sản quá thì cũng sẽ không tốt, bữa ăn sẽ kém phong phú”, bà Yến nêu quan điểm.