Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tân Phú Đông (Tiền Giang): Nông dân xóa nghèo từ cây mãn cầu xiêm

Huyện Tân Phú Đông nằm ở cuối sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông vốn là miền đất nghèo khó, cù lao cách trở giữa bốn bề sông nước. Nhưng những năm gần đây, nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (đặc biệt là với mô hình trồng mãn cầu xiêm) nên người nông dân nơi đây đã đổi đời, không chỉ thoát nghèo bền vững, mà nhiều hộ còn trở nên khá giả giàu có.

 

Được biết, những năm qua trên địa bàn 6 xã: Phú Đông, Phú Tân, Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh, Phú Thạnh của huyện Tân Phú Đông, có khoảng 10 mô hình chăn nuôi, sản xuất được triển khai và đang phát huy hiệu quả như: Nuôi heo, bò, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, làm mắm, trồng ca cao dưới tán dừa, trồng mãn cầu xiêm, trồng màu dưới chân ruộng, trồng sả…Trong đó, mô hình trồng mãn cầu xiêm là một trong những mô hình đang được nhiều nông dân đầu tư nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhà vườn chăm sóc mãn cầu xiêm từ lúc ra hoa tới khi kết trái một cách rất cẩn thận đúng kỹ thuật nên năng suất cao 

 

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Định, ở ấp Tân Thành, xã Tân Phú, có hơn 6 công đất trồng lúa (hơn 6.000 m2) do nhiễm phèn nên năng xuất thấp, đời sống kinh tế gia đình nhiều năm lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Sau một thời gian nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm một số hộ dân trong vùng trồng cây mãn cầu xiêm, thấy đặc tính cây này rất thích hợp với đất nhiễm phèn mặn, nên ông đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây mãn cầu xiêm. Qua 2 năm trồng mãn cầu xiêm cho trái, thấy hiệu quả kinh tế hơn trồng lúa, ông quyết định tăng diện tích và bây giờ mỗi năm ông thu nhập từ 90 – 100 triệu đ/vụ. Hộ ông Lê Tấn Nghĩa, ở ấp Tân Thành, xã Tân Phú, với diện tích trồng mãn cầu xiêm 0,6 ha mỗi năm cũng thu khoảng 100 triệu đồng/năm.

 

Theo kinh nghiệm của nhà vườn, khi mãn cầu xiêm đậu trái, phải dùng bao ni lon để bào quản trái không bị côn trùng phá hoại

 

Nói về kỹ thuật trồng cây mãn cầu xiêm, nhiều nông dân cho biết, mãn cầu xiêm có loại ngọt và loại chua. Người trồng phải tùy theo điều kiện thổ nhưỡng cụ thể từng nơi mà trồng, có thể trồng ghép trên cây bình bát hoặc bằng hạt. Đối với vùng đất nhiễm mặn như Tân Phú Đông, thì việc trồng ghép trên cây bình bát là thích hợp nhất và chỉ sau 2 năm là cho lứa trái đầu tiên. Ưu điểm của cây mãn cầu trồng ghép trên gốc bình bát là phát triển mạnh nhờ vào chính sự chịu phèn mặn của gốc bình bát, cho trái sớm, trái sai, chất lượng tốt đồng thời ít sâu bệnh, tuổi thọ cao.

 

Mỗi mùa thu hoạch mãn cầu xiêm thương lái từ nhiều nơi tới tận nhà vườn của nông dân để mua với giá cao và ổn định

 

Mãn cầu xiêm là một trong những loại trái cây rất được ưa chuộng ở thị trường phía Nam, nên những năm qua có giá bán cao và luôn ổn định từ 5000 – 6000 đồng/kg bán tại vườn cho thương lái. Nếu trồng với khoảng cách cây 3 x 4 m, mật độ trung bình từ 950 – 1000 cây/ha, nhà vườn chăm sóc tốt đúng kỹ thuật, có thể đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Có thể nói mãn cầu xiêm không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu ở vùng đất nhiễm phèn mặn Tân Phú Đông hiện nay. ./