Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tần suất tai nạn lao động giảm bình quân 9,27% so với giai đoạn 2011-2015

 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
 
Tham dự Hội nghị có ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động của 31 Sở LĐTBXH các tỉnh phía Bắc. 

Cơ bản đạt được các mục tiêu 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Lê Tấn Dũng cho biết, Chương trình mục tiêu được Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 tập trung ưu tiên vào một số các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khai thác và chế biến khoáng sản; luyện kim; hóa chất; xây dựng và một số ngành, nghề khác). Bên cạnh đó là ưu tiên các hoạt động hướng đến nhóm đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khu trong khu vực không có quan hệ lao động.

Theo báo cáo kết quả việc triển khai Dự án 3 (2016 - 2019), thực hiện mục tiêu hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất. Kết quả, đối với năm 2016, do Chương trình mới được triển khai, kinh phí năm 2016 được cấp muộn, phần lớn các đơn vị triển khai các hoạt động vào đầu năm 2017, nên tần suất tai nạn chết người tăng 15,45% so với năm 2015, nhưng vẫn giảm 5,55% theo xu hướng chung do hiệu quả tác động Chương trình từ các năm trước; đến năm 2018, khi Chương trình triển khai mạnh, tần suất tại nạn lao động giảm rõ rệt, giảm bình quân 9,27% so với 2011-2015. Dự kiến năm 2019 đạt mục tiêu đề ra trong năm.

Về tần suất tai nạn lao động chết người, bao gồm cả khu vực có tham gia BHXH và không tham gia BHXH giảm 18,1%. Việc giảm mạnh hơn khu vực tham gia BHXH chủ yếu là do ý thức người lao động khu vực sản xuất nhỏ ngày một nâng cao (Chương trình giai đoạn 2016-2020 tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề...).
 
 
Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động

Các mục tiêu hỗ trợ thí điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động đến tháng 6/2019 có khoảng 120 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện (83% kế hoạch đặt ra); ước tính cuối năm sẽ đạt 105% kế hoạch đề ra. Tổng số doanh nghiệp hưởng ứng và được hỗ trợ là 2.500 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ trên toàn quốc lên trên 12.000 doanh nghiệp.

Dự án đã hỗ trợ huấn luyện cho trên 60.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hay những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, công tác y tế lao động và an toàn, vệ sinh viên đạt 100% mục tiêu đề ra. Thông tin về an toàn vệ sinh lao động được phổ biến thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố, đến trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2000 hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đối với mục tiêu huấn luyện về ATVSLĐ, đến nay dự án đã hỗ trợ 14.000 người làm các nghề yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 18.000 người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 5.000 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; 1.000 người làm công tác y tế lao động. Dự kiến đến hết năm 2019 đạt 100% kế hoạch. Trong 3 năm 2016-2018, dự án đã hỗ trợ tuyên truyền phổ biến thông tin về ATVSLĐ đến 142 làng nghề, 1195 hợp tác xã. Tính đến tháng 11/2019 đạt trên 90% kế hoạch tuyên truyền trong năm. 
 
 
Ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động 

Tập trung ưu tiên ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động

Mục tiêu của dự án 3 trong năm 2020 là ngăn chặn và giảm trên 6% tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao như: khai thác than, đá, quặng kim loại; sản xuất hóa chất; sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; thi công xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp; Tăng thêm mới trên 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ; ít nhất 40 doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018; Hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động: trên 25.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trên 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 12.000 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; 2.200 người làm công tác y tế lao động và 1.800 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động đến: 60 làng nghề, 150 hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường công tác huấn luyện, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. 
 
 
Đảm bảo an toàn ở những ngành có nguy cơ cao. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và những đóng góp tích cực của các bộ ngành, địa phương đặc biệt là các doanh nghiệp đã đồng hành triển khai chương trình. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp, lựa chọn các hoạt động thiết thực nhất nhưng vẫn bám sát mục tiêu của Chương trình nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí, sử dụng đúng các chế độ tài chính theo quy định của Nhà nước; đẩy nhanh việc phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí; thực hiện lồng ghép tăng hiệu quả các hoạt động và chấp hành tốt công tác báo cáo kịp thời để có cơ sở đánh giá, tổng kết chương trình và dự án vào năm 2020;

Ngoài ra, cần chú ý phát hiện các mô hình, điển hình tốt để biểu dương, nhân rộng và khen thưởng đối với các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực hiệu quả trong việc ngăn ngừa và giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Yêu cầu Cục An toàn lao động phối hợp với các cơ quan liên quan ở các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và chuẩn bị Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 5 năm (2016 – 2020) trình Thủ tướng chính phủ vào năm 2020.

Mai Anh/ GĐTE