Xin trân trọng giới thiệu chùm tản văn của Nhà văn vùng Nam bộ Nguyễn Ngọc Tư với bạn đọc.
Xứ sương
Em kể hôm cưới sương mù cũng nhiều như chiều nay, đón dâu từ bãi sông lên đến nhà trai, đoàn người ướt rượt. Cả xóm coi đám cưới em là cổ tích, Lọ Lem không cha - cư dân trôi nổi của bãi sông - lấy chồng phố cổ. Nói tới đó, em ngó xuống cánh tay bó bột của mình. Đoạn xương ống gãy lìa bởi cú đánh thô bạo của người mà một ngày sương năm trước là chàng rể xùng xình trong bộ com lê.
Quán nước em nép bên nhà chờ xe buýt, khách ái ngại ngó cánh tay nặng trịch treo trước cổ người đàn bà mười chín tuổi. Trẻ như vừa mở mắt đã thành đàn bà. Ốm và xanh như vừa chui trong ống tre ra. Ba ngày trước, em bắt đầu dọn quán với cánh tay còn lành lặn, một ngày ngồi không cũng bị nhà chồng nhiếc móc là ăn bám. “Quen nhau hơn tháng là cưới luôn, ai cũng bảo chồng trông có vẻ hiền từ”, em kể, tráng cốc qua nước sôi bằng một tay. Khách chờ xe, hớp ngụm trà chát đặc, nói ba khơi “chắc tại yêu đương trong mùa sương mờ mịt, nên nhìn không rõ”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc TưXứ này nửa cuối thu, vắt sang đến giữa xuân, là mùa sương. Giữa ngày đi xe máy phải bật đèn pha, cách nhau tầm tay với nhìn không rõ mặt. Ra đường nghe mi mắt nặng, cảm giác rất rõ sương đang tụ thành nước ai ái trên da. Quê khách hai mùa nắng mưa ráo hoảnh, nét nào ra nét ấy, nên gặp bữa đất trời một màu trắng đục huyền ảo như vầy mừng thấy ông thấy cha, hít hà kêu thiệt là lãng mạn. Giá của cuộc đi bộ phơi sương là cả tuần ho, hít thở sâu nghe đâu đó trong buồng phổi kêu lép xép.
Bữa suýt va vào xe chở gà, ba chữ “muốn chết à” vẳng ra trong bức màn sương nghe đỡ sắc nhọn hơn lúc trời nắng oi. Lúc ấy nghĩ cái cay nghiệt, khốc liệt của cuộc đời bị sương làm cho bớt chói. Người ta buộc đi chậm, thôi hớt hải. Buộc đắn đo, ai biết được đằng trước có gì, khi tầm nhìn chỉ đo được bằng vài ba bước chân. Anh chồng đứng cạnh mình đây, biết đâu tay kia nắm lấy cô gái khác. Những thương xá bình thường đèn đóm hắt rực rỡ ra đường, giờ cũng thành nhợt nhạt. Mấy cao ốc kiêu căng bị sương ngậm mất ngọn, cũng rụt rè như dãy nhà cổ thấp bé bên kia hồ. Có điều gì đó gần như là sự công bằng vào một ngày sương giăng, khi những lấp lánh mất quyền lực. Chỗ nào cũng chỉ một sắc trắng đục. Màu cái bông vừa mới trổ với bông gần tàn cũng không khác mấy nhau. Cái thứ ảo giác lừa mị nhưng dễ chịu, dù biết rồi nắng lên đâu vô đó hết.
Khách đến thành phố này lần đầu tiên gặp nắng tháng bảy, ngay lập tức tự định nghĩa lại mùa hè. Nó không phải là những cơn mưa dầm phương Nam với gió và chân trời cũng ướt. Tháng bảy ở đây bức và oi đến mức cứ muốn đứng dưới vòi nước cả ngày. Lạ là mỗi khi nhớ về mùa hè xứ lạ, khách cảm giác như có một màn sương mờ. Chị bạn làm thơ cùng phòng nói chị sinh con đầu lòng năm mười sáu tuổi không biết là thiệt hay chơi ? Anh biên kịch tuồng chèo kể vừa trong trại tù ra, cả nhà tan nát, vợ bỏ rơi con để đi theo tay thẩm phán, sao mà lâm ly y như sân khấu vậy ? Và lời tỏ tình đó với đây, như thể chỉ là tiếng gió. Ra về là biệt mù.
Không phải lúc nào thành phố cũng mắc màn sương. Nhưng những lần khách lui tới nơi này, từng cái cười, từng cái bắt tay, từng câu thăm hỏi, khách đều có cảm giác không thực. Như nhìn cảnh vài chính khách ghé tay nâng chiếc quan tài vị tướng, mà biết lòng dạ họ mỗi người một hướng. Như chiều sương tháng ba, ở cái thành phố khách lui tới hoài mà vẫn lạ, lúc ngồi ngay vỉa hè cứ nghĩ kế bên mình là mép vực, biết đâu.
Em nhờ khách buộc lại giùm mớ tóc, chuyện nhỏ nhưng không thể làm bằng răng, như cách em bóc tách thỏi kẹo đậu phộng. Rót thêm cốc trà, em nói mai không dọn hàng quán ra đây. Tổ dân phố báo mai Bộ trưởng vi hành xe buýt, tuyệt không để cảnh nhếch nhác bán mua. Vi hành cách chi mà dân biết tuốt trước cả tuần, bác xe ôm ngồi gần đó cười mỉa. Kiểu này thì mai nắng có soi thủng lớp mù sương, ông Bộ trưởng cũng sẽ thấy mọi thứ trong tầm nhìn mình đều lung liêng, mơ ảo.
Chuyến xe buýt số mười bảy cua qua ngã ba, em rối rít hối khách chuẩn bị đi. Xe qua cầu Rồng Bay mới sực nhớ để quên cái túi. Quyết định quay lại trước khi đi xa hơn, bước chân xuống đường, ngó theo cái ống xả xe xô dạt một lõm sương, chợt nghĩ, mình đang quay lại tìm một thứ chắc gì còn.
Trời tối nhanh, chung quanh sương đẫm rợp. Gần nơi khách đứng có hai đứa nhỏ đang thè lưỡi ra, không biết đo xem lưỡi ai dài hay cố nếm vị của sương mù.
Một cách khóc
Bạn tìm được cây me nhỏ dưới chân bồn hoa ở con đường ven sông. Vào một ngày nắng nỏ, ai qua đây cũng bồi hồi, ngày mai người ta kéo cưa máy về để dọn sạch hàng dầu gần hai trăm năm tuổi. Dầu không đẻ me, nên cây mà bạn nhổ được chắc mọc tình cờ từ một hạt rớt rơi. Nhưng không sao cả, mai này nhìn nó, bạn sẽ nhớ một con đường một hàng cây.
Không sao, mười năm nữa cây con cũng vươn tàn ngã bóng. Cổ thụ thì cũng bắt đầu từ những cây nhỏ nhỏ như vầy, bạn nghĩ vậy. Nên vỉa hè trước nhà đã chật mớ cây mà bạn nhặt nhạnh từ những nơi có cổ thụ bị bức tử.
Có quá nhiều thứ để chia tay vào những ngày thành phố đâu đâu cũng tung tóe như một đại công trường. Mầm chia ly lẫn trong khói bụi, những đào dỡ những san ủi, những bản vẽ quy hoạch trên giấy. Tính bạn đa sự mặc sức mà thương.
Nhưng qua rồi quãng bày tỏ thương bằng thơ, hay bằng chữ nhỏ ra trên giấy. Hồi người ta dẹp chợ Nhà Lầu cùng với công viên đằng trước nó lấy chỗ cho cao ốc sáu tầng mọc lên vắt bóng qua tận bên kia sông, trước khi xe ủi san phẳng, nhà chức trách tổ chức trưng cầu dân ý, một trăm người đòi giữ lại cả trăm. Phản hồi cột tin tháo dỡ chợ trên nhật báo có cả ngàn bạn đọc khác cũng bảo chợ là ký ức, linh hồn thành phố, thiếu cha gì chỗ để trồng tòa nhà lên, sao cứ phải trên xác chợ Nhà Lầu. Có người viết bài báo hàng ngàn chữ, nói chuyện bên tây bên tàu người ta nhã nhặn và nâng niu với ký ức ra sao.
Nhưng rốt cuộc, chợ cũng thành đống gạch vụn, vườn cây cổ thụ thành củi vụn. Hôm nhìn mấy chị tiểu thương nức nở khi cánh cửa chợ sập xuống, bạn nghĩ nước mắt đó đâu chỉ khóc cho cái chợ mà gần như cả cuộc đời họ neo theo, nó có bao nhiêu lam gió, có bao nhiêu chỗ dột, có bao nhiêu cây cột, thông thuộc còn hơn nhà mình. Họ còn khóc cho chính họ, bị tính như vắng mặt lâu rồi.
Nước mắt sẽ chẳng thay đổi được gì hết, có ai thấy chúng đâu.
Cũng không phải tự dưng mà bạn nghĩ ra chuyện trồng cây. Có lần đem sửa đồng hồ ở chỗ một anh thợ quen, anh nói hên quá, cô tới trễ chắc không biết đâu tìm, ngày mai tôi dời tủ đi nơi khác, tránh chỗ cho nhà nước bật gốc hàng me của khúc đường này.
Anh kể hổm rày người ta rần rần tới tiễn cây. Họ đi chậm rãi, ôm gốc cây, đưa điện thoại nhờ anh chụp hình. Có người còn rờ lớp vỏ cây đã rêu mốc, miệng láp giáp kể chuyện tình, hồi xưa tôi với bồ hay ra đây chơi, lần đầu hôn hít con gái run như đuôi thằn lằn đứt. Có người tần ngần đảo xe vài lượt mới chịu đi, làm bảo vệ mấy tòa nhà bên kia đường ngó lom lom, bởi tụi trộm cướp thường làm vậy.
“Thiên hạ thiệt tình, chắc là dư nước mắt”, anh thợ đồng hồ cười. Một cái cười hơi khó cắt nghĩa. Chỉ chắc chắn là không quá nhiều cảm tình cho những ai tới ôm cây. Trước khi bám lề đường, anh cũng có hai năm kê tủ thợ bên hông chợ Nhà Lầu. Cái chợ đó được thương không thua gì hàng me này đâu, anh kể, lại cười.
Muốn hỏi sao anh có vẻ không ưa mấy nước mắt khóc cổ thụ, khóc cái chợ cũ nát, thì anh đã lảng qua chuyện khác. Ông già sửa giày ngồi gốc cây bên kia không biết đau ốm gì mà cả tuần rồi không thấy ra. Thằng nhỏ thợ hồ hay ăn cơm hộp rồi dựa gốc me chợp mắt, bữa trước nghe nói té giàn giáo gãy chân, giờ không biết sao rồi. Lâu quá không thấy hai cha con ông đẩy chiếc xe bán nước mưa, ống quần lúc nào cũng ướt sũng.
Chuyện có vẻ như rời rạc như cơm nguội phơi khô, như nhớ gì nói nấy. Những người quen anh thợ đồng hồ đang nhắc, coi bộ cũng không có mối liên hệ gì nhau, ngoài một điểm chung duy nhất: Biến mất. Không cặn bụi. Không dấu tích. Mà chẳng thấy ai thương níu như những gì dành cho cái chợ, đường tàu sắt cũ bị bỏ rơi, một ngọn núi nung vôi hay nay mai là hàng cây cổ thụ này. Hoặc có nhớ, thì cũng lẻ tẻ âm thầm, như anh nhớ họ. Mà anh đâu có biết viết báo, làm thơ.
Những thân phận đó không gây được cơn sóng nhớ tiếc nào, chắc anh thợ khóa nghĩ vậy, khi ngồi nhìn cuộc tiễn cây. Chắc từ khi nhật báo đăng tin con đường này sẽ phát quang nới rộng, anh chưa nhận được câu nào mang tính thăm hỏi kiểu như gốc cây anh đang dựa dẫm bị cưa trụi rồi, anh sẽ dời đi đâu ?
“Đâu cũng được, nhưng phải chỗ có cây thì đỡ nắng”, câu trả lời đơn giản của anh thợ đồng hồ đưa bạn tới ý nghĩ kiếm cây về trồng.
Anh thợ sửa đồng hồ hay bà già bán chuối ngào đường đằng kia, họ cần bóng mát cho cuộc mưu sinh.
Quán khuya
Vụt sáng giữa hai cơn mơ, những cái quán cơm bán xuyên đêm bên quốc lộ hay làm tôi tơ tưởng, cảm giác có người dõi theo, chờ đợi mình. Rằng tôi không cô độc. Phải mất chút thời gian, dụi mắt vài ba lần để nhận ra quầng sáng đó không phải trong chiêm bao. Ngủ trên xe là trập trùng mộng trộn lẫn với đời. Tiếng ho của bà cụ nằm ghế kế bên vừa vặn với gương mặt của bà ngoại đã mất lâu rồi. Bài hát não tình anh tài xế mở cho đỡ buồn làm nền cho một người lướt trên mặt sông đầy nước. Chỉ biết chắc không phải mơ khi chiếc xe bỗng dừng, và khách bắt đầu liêu xiêu xuống. Quán khuya.
Những bóng đèn neong bụi bám phát ra thứ ánh sáng tái xanh. Mấy em chạy bàn mặt cũ nhàu như chiêm bao đang giăng mắc màn sẵn, chực chờ người chợp mắt. Những món ăn sắc mặn, nguội ngơ. Vài người bán hàng rong, vé số vật vờ. Năm Ốm, Tám Ri, Bến Cũ, Ngân Nga… những quán khuya đều có chung cái không khí bải oải, lơ mơ. Bàn ăn được lau một nửa, xe đò ghé, mọi người choàng thức, xe đi, lại cùng nhau gà gật. Giọng em gái phục vụ gọi cơm cũng không lanh lảnh như ban ngày.
Không đếm được bao nhiêu cái quán bán xuyên đêm dọc theo quốc lộ. Ông cụ Trần Thanh Phương đếm được bao cây cầu từ Sài Gòn về tới Rau Dừa quê xứ, là bởi cây cầu chịu đứng yên một chỗ. Quán xá lại như nấm dại, âm thầm mọc lên rồi tàn lụi. Quán trụ được lâu là nhờ bắt mối được với mấy hãng xe đò, khá lên lại cơi nới thêm quán số hai, số ba, số nào đèn cũng sáng rực như một thị trấn. Như những đứa trẻ cả làng đã dồn về đó bưng bê, đứa nào cũng trạc mười bốn, mười lăm. Nhiều cô nhỏ bưng phở cho khách với cái điện thoại đang bật nhạc giắt trong túi áo, vẳng mấy bài ca bằng tiếng Khmer rầu rầu. Mặt trời còn thì trai gái còn muốn chọc ghẹo nhau, nhưng cái rạo rực của tuổi trẻ cũng nguội đi trong trũng đêm sâu hoắm. Những đôi thành vợ thành chồng, biết đâu từ bao đêm thức trắng cùng nhau, nhìn thấy vẻ đẹp của sự ngái ngủ khi ánh sáng mặt trời không còn tô vẽ xinh tươi lên người.
Cánh tài xế xe tải sành ăn cũng có những cái quán quen, ngoài nấu nướng hợp gu, đâu đó có thứ ân tình chớp nhoáng. Bạn học lớp đêm hay kể má con chị tốn biết bao nhiêu nước mắt khi lấy nhầm ông chồng lái xe, “không biết ông già đã rải bao nhiêu con rơi dọc đường”. Lại có những cái quán nhỏ chẳng có mối mang nào, mắc đèn vừa đủ sáng, nửa thờ ơ nửa da diết chờ khách. Có lần đi xe nhà bạn, tấp vô một quán quạnh hiu, chủ là đôi vợ chồng già, bảo mất ngủ từ con trai tử nạn bên Lào, không biết làm gì cho hết đêm nên mở quán bán quấy quá cho vui. Khuya đó bọn tôi húp mì gói với mấy lát thịt khô khỏng như dăm bào, nhưng không ai thấy phiền.
Xe đò thì không bao giờ ghé quán nhỏ, nhưng mỗi lần đi qua chúng, tôi nghĩ cái đời sống của quán như ngọn đèn dầu, leo lét chờ khách ghé vào vặn cho cao lửa. Buồn vui phận người cứ đong đưa trong lúc người đàn bà xắt dưa leo bày lên dĩa cơm sườn, hâm lại nồi nước nấu bún bò, trở cái trứng chiên.
Bữa đi Châu Giang, xe đò tấp ăn khuya ở quán Thúy Ngà, có một ông già bán vé số cứ loay hoay dưới gầm bàn, nói con mắt ông vừa mới rớt đâu đây. Hướng cái hốc mắt trái dúm dó không đáy về phía tôi, ông kêu cô tỏ mắt kiếm giùm, giải thích thêm “bị thương vầy là do pháo lạc bầy hồi chiến”. Bạn đường khều cùi chỏ, nhắc coi chừng ổng khùng, tôi cũng làm bộ dòm xiên cho có. Rốt cuộc cũng kiếm được cục đạn cu ly xanh nằm trong hốc tường, ông già thở phào lắp bi vô hốc mắt, hỏi “biết có con mắt nào nhìn thấu được lòng người ta không, cô ?”. Con mắt thủy tinh nhảy nhót dưới đèn, ánh lên màu xanh ma mị.
Anh lơ réo lên xe rồi, tôi không kịp trả lời, nhưng nghĩ kỹ thì ông già đã hỏi một câu không lời đáp, làm gì có mắt nào nhìn ngon vậy. Lượt về, ghé đúng quán ấy ngó quanh không thấy ông đâu. Thằng nhỏ chạy bàn nghe tả bộ dạng sơ qua, nói vậy là chị bị ông Út Một chọc rồi. Hỏi ông giờ đâu, thằng nhỏ chỉ ra bờ sậy bịt bùng bên hông quán. Mả ổng đó, nó nói. Tôi cười, “giỡn chơi hoài”.
Thằng nhỏ thề sống thề chết rằng có ông già hay lảng vảng khúc xóm này tìm đạn cu li làm mắt, mong nhìn được lòng người. “Cả vạt đất này hồi xưa của ổng”, thằng nhỏ khoát tay nửa vòng kim đồng hồ, mở ra một mênh mông, “giàu vậy mà còn đi bán vé số kiếm thêm”. Nó kể vụ ông già hồi đó lên báo quá trời, xứ này ai cũng biết. Rằng cô vợ trẻ được cưng chiều không làm động móng tay một bữa nhẫn tâm đốt chết chồng, lấy đất đai thừa kế bán sạch, đem tiền cho anh bồ kép hát.
Trên những chuyến xe đò miền tây xuôi theo khuya xa, không làm sao rạch ròi được thực và mơ, ma và người.