Ngày 12/4, tại tỉnh Sơn La, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã trao tặng 4.000 mũ bảo hiểm cho đại diện cho phụ nữ nghèo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Những chiếc mũ bảo hiểm này được thiết kế riêng, đảm bảo chất lượng và phù hợp với đặc thù văn hóa là mũ có thể trùm được búi tóc cao trên đỉnh đầu của những phụ nữ dân tộc Thái. Đây là một trong các hoạt động trong chương trình “Vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn” do Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia phát động.
Tại buổi lễ, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh - Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Sơn La cho biết: Phong tục, tập quán truyền thống phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng có tóc búi trên đỉnh đầu (tằng cẩu) nên khi tham gia giao thông có sử dụng loại mũ bảo hiểm theo cấu tạo thông thường chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo ATGT. Xuất phát từ thực tế đó, việc thiết kế, trao tặng mũ bảo hiểm có phần chóp nhô lên để chứa búi tóc (mũ tằng cẩu) là cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc khi tham gia giao thông.
Đại diện nhà tài trợ, ông Michael Woodford, Chủ tịch Hiệp hội An toàn đường bộ Anh Quốc chia sẻ: Chúng tôi rất xúc động khi được tài trợ mũ bảo hiểm cho cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La. Đảm bảo ATGT là một việc làm hết sức cấp thiết hiện nay trên toàn thế giới, chúng tôi rất tự hào khi đã góp phần đưa hoạt động này vào cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam nhằm giúp họ trang bị thêm kiến thức và những biện pháp lâu dài trong việc phòng ngừa tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Chương trình được xây dựng nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đối với phụ nữ dân tộc Thái. Tuy nhiên, do đây là loại mũ bảo hiểm đặc thù nên ban đầu có gặp khó khăn trong việc thiết kế, vừa đảm bảo phong tục truyền thống, chất lượng mũ và đặc biệt là giá thành. Theo ông Hùng, nếu sản xuất một lần hơn 200.000 chiếc, giá khoảng 300.000 đồng/chiếc, còn sản xuất một nửa mức trên, giá thành sẽ khoảng 400.000 đồng/chiếc.
Theo thống kê sơ bộ, tại 7 địa phương phía Bắc có khoảng hơn 200 nghìn phụ nữ dân tộc Thái cần mũ bảo hiểm "tằng cẩu" và phần lớn là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần sự hỗ trợ, tài trợ từ các nhà hảo tâm. Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng mong muốn trong thời gian tới nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân góp sức hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái.
Tại chương trình này, đại diện Hội LHPN các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, ký cam kết “Nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy”.