Diễn đàn năm nay được tổ chức với sự tham dự của 150 đại biểu đại diện cho Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động, tổ chức của người lao động 10 nước ASEAN, các tổ chức xã hội và đại diện các tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam tham dự gồm có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu tham dự AFML-9
Với tiêu đề “Cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động di cư thông qua tăng cường an sinh xã hội cho người lao động di cư”, Diễn đàn đã tập trung thảo luận hai chủ đề chính bao gồm: tình hình hiện tại về an sinh xã hội cho lao động di cư; hướng tới bảo hiểm xã hội di động cho lao động di cư. Nội dung an sinh xã hội của Diễn đàn được các đại biểu rất quan tâm, vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi được đảm bảo về an sinh xã hội, các chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động di cư.
Lao động Campuchia làm việc tại Thái Lan.Ảnh:Reuters
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian chia sẻ thông tin về việc làm thế nào để có thể đảm bảo hơn nữa an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này thông qua việc rà soát các chính sách về lao động, di cư nhằm lồng ghép nội dung an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng cho lao động di cư, tăng cường nhận thức của người lao động về các lợi ích để họ tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các loại hình bảo hiểm khác một cách chủ động và tự nguyện. Các đại biểu thống nhất cần đẩy nhanh tiến trình di động của bảo hiểm xã hội cho lao động di cư thông qua việc xây dựng và triển khai các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa các nước.
Đoàn Việt Nam đã chia sẻ các thông tin về hệ thống chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh:IE
Điểm mới trong chính sách về bảo hiểm xã hội của Việt Nam đó là: Lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đều là đối tượng tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ 1/1/2018, sau khi Việt Nam hoàn chỉnh các thủ tục về mặt pháp lý trong khi việc tham gia của lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, đã bắt đầu triển khai bắt buộc từ 1/1/2016. Điều này góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhằm tăng cường an sinh xã hội cho người lao động di cư.
Đoàn Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các nội dung của Diễn đàn. Việc lồng ghép một số khuyến nghị của Việt Nam đạt được tại hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn khu vực vào khuyến nghị chung của Diễn đàn như: lồng ghép nội dung an sinh xã hội cho người lao động di cư vào các luật, chính sách liên quan, tăng cường cung cấp thông tin về các chính sách an sinh xã hội cho người lao động di cư, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các hiệp định song phương liên thông về bảo hiểm xã hội...
Tại phiên họp nhóm, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí đưa ra 15 khuyến nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Tăng cường an sinh xã hội cho lao động di cư ASEAN; hành động hướng tới tính di động về bảo hiểm xã hội cho lao động di cư ASEAN.