Tương lai của ngành kỹ thuật số với hệ thống chăm sóc sức khỏe
Sự kiện ghi nhận sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có đại diện các cơ quan chính phủ về bảo vệ người tiêu dùng khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các chuyên gia đến từ UNCTAD, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đại diện cho phía Việt Nam tham gia buổi đối thoại.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến nguy hiểm, chính phủ các quốc gia liên tục ban hành các lệnh cấm/hạn chế đi lại và giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng dịch chuyển kỹ thuật số đối với việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến và các dịch vụ y tế, tiện ích liên quan khác.
Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường bảo trợ xã hội cho các ứng phó với đại dịch: Xác định các đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ, phục hồi và xây dựng khả năng phục hồi", UNCTAD và WHO đã đưa ra những báo cáo về "Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, sức khỏe (bao gồm cả y tế điện tử) trước đại dịch COVID-19" nhằm nêu ra các thách thức về bảo vệ người tiêu dùng trong ngành y tế và từ đó đưa ra các khuyến nghị, giải pháp cho vấn đề này.
Tại cuộc đối thoại, đại diện các quốc gia Singapore, Ấn Độ, Philippin, Fiji, Indonexia và Việt Nam đã có các bài trình bày thảo luận về lợi ích cũng như rủi ro của dịch vụ y tế điện tử đối với người tiêu dùng. Cụ thể như: Những thách thức thách thức đối với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khả năng số hóa ở các quốc gia; Số hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các phương thức mới trong thời kỳ bình thường mới và vấn đề tăng cường khả năng tiếp nhận cho người tiêu dùng; Nâng cao vai trò của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan quản lý y tế; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.