Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường biện pháp giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Trước tình trạng lao động sang làm việc tại Hàn Quốc hết hợp đồng bỏ trốn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp tại thị trường này. Trong thời gian tới, nếu tỉ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc không giảm, nhiều lao động Việt Nam sẽ mất cơ hội đi làm việc tại thị trường tiềm năng này.

 

Nỗ lực giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn

Người đi lao động xuất khẩu bỏ trốn, ra ngoài làm việc bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối, diễn ra ở nhiều thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam, nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp luôn ở mức báo động. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 48.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) thì có đến 32% trong số này đang cư trú bất hợp pháp, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, nhằm duy trì và phát triển thị trường này một cách bền vững đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng và của người dân cũng như chính bản thân người lao động.

Thân nhân, gia đình người lao động ký cam kết với chính quyền địa phương.

Để giảm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều biện pháp như: Tăng cường hỗ trợ thủ tục về nước cho người lao động); tăng cường công tác tuyên truyền vận động; ban hành và áp dụng chính sách ký quỹ, xử phạt hành vi cư trú trái phép tại Hàn Quốc...

Việc quy định NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ lên đến 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh là một chế tài mạnh mà Bộ LĐ-TB&XH áp dụng. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước chế tài này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nếu như trước đây người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc tại nơi làm việc thì sẽ bỏ ra ngoài tìm nơi làm việc khác. Tuy nhiên, từ khi áp dụng chính sách này đã có 48 lao động tự giác về nước để nhận lại khoản tiền ký quỹ; chỉ có 2 lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh so với hàng chục người như trước đây.

Việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động vi phạm theo Nghị định 95/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ với mức phạt từ 80 -100 triệu đồng cũng đã được triển khai. Đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ban hành 1.092 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cư trú trái phép tại Hàn Quốc sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động. Chính sách này đã có tác động nhất định đến ý thức và trách nhiệm của người lao động trong việc tuân thủ quy định của pháp luật và hợp đồng lao động, đặc biệt là những lao động đang cư trú bất hợp pháp.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7/9/2015 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015, trong đó thống nhất miễn xử phạt cho những NLĐ đã có hành vi cư trú trái phép tự nguyện về nước từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015 (sau thời gian này, tất cả những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ bị áp dụng xử phạt theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Ở Hàn Quốc, hoạt động hỗ trợ thủ tục cho người lao động chuẩn bị kết thúc hợp đồng lao động cũng được chú trọng, các vấn đề vướng mắc về tiền lương, bảo hiểm được hỗ trợ giải quyết để người lao động yên tâm về nước.

Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã tích cực tuyên truyền, vận động đến người dân, chính quyền, đoàn thể cơ sở và yêu cầu các gia đình động viên người thân về nước đúng thời hạn. Công tác này nếu được thực hiện thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các địa phương thì mới có thể mang lại hiệu quả tích cực.   

Các đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng quy định.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, nên tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ này, từ mức 40,38% năm 2014 xuống còn trung bình 35,68% trong 9 tháng đầu năm 2015.

Nguy cơ đóng cửa thị trường là có thật

Mặc dù tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong thời gian qua có giảm, tuy nhiên, tỷ lệ này của Việt Nam vẫn còn cao hơn so với mức bình quân chung của 15 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 20%), chưa đáp ứng theo yêu cầu của phía Hàn Quốc dẫn đến nguy cơ phía Hàn Quốc không ký lại bản Thỏa thuận bình thường về tiếp nhận lao động Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.   

Sở dĩ tỷ lệ trên vẫn còn cao là do một số nguyên nhân:

Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người lao động còn kém. Mặc dù theo quy định của chương trình, thời gian làm việc tối đa là 4 năm 10 tháng và trước khi đi người lao động đã cam kết tuân thủ các quy định của chương trình, tuân thủ pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, nhưng một bộ phận người lao động hết thời hạn làm việc vẫn không về nước, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình. Do có sự chênh lệch lớn về thu nhập khi làm việc ở Hàn Quốc so với ở Việt Nam nên người lao động mong muốn được kéo dài thời gian làm việc tại Hàn Quốc để tiếp tục được hưởng thu nhập cao; một số gia đình có người thân đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc chỉ vì lợi ích cá nhân đã không tích cực động viên người thân về nước, thậm chí một số gia đình còn bao che, dung túng. Một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền vận động, chưa có các biện pháp hành chính đủ mạnh đối với các gia đình có người thân cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Công tác triển khai thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn vướng mắc, mặc dù đã ban hành 1.225 Quyết định xử phạt hành chính đối với lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc và gửi về các địa phương, nhưng đến nay chưa có báo cáo của các địa phương về việc triển khai thực hiện các quyết định này. Do đó, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc triển khai cưỡng chế xử phạt, sẽ khó tạo tính răn đe đối với lao động, khó giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.  

Nỗ lực gì để cứu thị trường?

Vì vậy, để giữ thị trường, nên chăng trong thời gian tới: Các cơ quan chức năng của Việt Nam nên tham mưu áp dụng các biện pháp cụ thể như: Hạn chế tuyển chọn lao động từ các địa phương có tỉ lệ lao động bất hợp pháp cao; đề xuất sửa đổi quy định về ký quỹ trong đó sử dụng khoản tiền ký quỹ của lao động vi phạm cho công tác tuyên truyền, vận động và các biện pháp để ngăn ngừa lao động cư trú trái phép; tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động về nước đúng quy định...

Các địa phương, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ở các cấp đến tận gia đình người lao động; thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi cư trú trái phép tại Hàn Quốc; áp dụng các chế tài hành chính đủ mạnh đến các gia đình có người thân cư trú trái phép tại Hàn Quốc. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2015, nếu các địa phương không nỗ lực triển khai các biện pháp giảm tỷ lệ lao động EPS cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, căn cứ ý kiến đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động tại các địa phương này khi thỏa thuận hợp tác về lao động với Hàn Quốc được ký lại. 

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, nếu NLĐ hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn muốn tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc một cách hợp pháp thì vẫn có rất nhiều cơ hội. Nếu là lao động mẫu mực, sau khi về nước chỉ cần làm thủ tục đăng ký tại Trung tâm Lao động ngoài nước trong vòng 3 tháng sẽ được quay trở lại Hàn Quốc làm việc mà không phải thi tiếng Hàn. Nếu không phải là lao động mẫu mực sẽ phải tham gia kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính, đạt yêu cầu sẽ được làm hồ sơ gửi sang Hàn Quốc giới thiệu cho chủ sử dụng cũ lựa chọn, ký hợp đồng. Trường hợp, chủ sử dụng cũ không lựa chọn thì sẽ được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động mới.