Độ tuổi sử dụng ma túy có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Theo hồ sơ quản lý của ngành công an, hiện ở nước ta có trên 200.000 người nghiện ma túy. Đáng chú ý, thời gian gần đây, tỷ lệ sử dụng chất Amphetamine (ATS) và chất hướng thần gia tăng nhanh. Đáng lo ngại độ tuổi của người sử dụng ma túy có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, đặc biệt trong độ tuổi học sinh phổ thông có xu hướng tăng.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy, bắt giữ nhiều vụ ma túy số lượng lớn.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy trong học sinh, thanh thiếu niên, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT về phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2011/NQLT về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên”;
Song song, tăng cường tuyên truyền về pháp luật, về các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh; thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường…
Tuy nhiên, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên (thống kê cho thấy, trong số hơn 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý thì số người từ 16 - 30 tuổi chiếm 48%).
Trong khi đó, các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà”…
Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng; các loại ma túy tổng hợp thường trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh nên các quán bar, karaoke, vũ trường thường là nơi các đối tượng và thanh thiếu niên lợi dụng để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy…
Nhiều mô hình phòng, chống ma túy đã được xây dựng, nhân rộng
Bên cạnh đó, trong công tác hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, nhiều tỉnh, thành đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả bước đầu.
Đơn cử như tỉnh Yên Bái, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH của tỉnh cho biết, Yên Bái đã cho ra mắt các "Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội'', duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các câu lạc bộ: "Tuổi trẻ pháp luật", "Thôn, bản, xã, phường không có thanh thiếu niên nghiện ma túy", đẩy mạnh hoạt động cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phát động Phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma túy....
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đã trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, Quyết định về công tác Phòng chống tệ nạn xã hội và tham mưu tổ chức thực hiện, kịp thời báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Ban chỉ đạo 138.
Sở cũng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng chống ma túy; kết hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình nói chuyện chuyên đề về ma túy cho học sinh, sinh viên; phát động trong học sinh, sinh viên "Chung tay nói không với ma túy, vì chính bạn và cộng đồng"… Đến nay đã có 26/173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh không có tệ nạn ma túy.
Hay như tỉnh Bình Thuận, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng cho biết, công tác tuyên truyền phát động phong trào phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng, góp phần tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của giới trẻ, đoàn viên, thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân.
Cùng với đó, nhiều mô hình phòng, chống ma túy đã được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn ma túy. Điển hình như mô hình “Khu phố không có ma túy”; “Thanh niên tham gia phòng, chống ma túy”; “Thôn tự quản phòng, chống lây lan ma túy”; “CLB thắp sáng niềm tin”…
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các cấp đã chú trọng và đẩy mạnh công tác cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến và người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều trường hợp đã cai nghiện thành công và có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Tương tự, tỉnh Bình Phước cũng triển khai nhiều hình thức phù hợp, giúp đỡ thanh, thiếu niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập được 43 câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”, qua đó, giúp đỡ, cảm hóa 100 người nghiện, giới thiệu việc làm giúp tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện cho 62 thanh niên... Trong giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế số lượng thanh niên nghiện ma túy và tăng cường các biện pháp để giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục, giới thiệu việc làm cho nhiều thanh niên.
Đại diện hai Bộ LĐ-TB&XH và GD&ĐT đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến học sinh, thanh, thiếu niên vướng vào ma túy bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan như lối sống thực dụng, buông thả, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường.
Bên cạnh đó, khi các em không có nhiều những kỹ năng để phòng chống ma túy thì các em không thể đối đầu, xử lý với nhiều tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Chính vì vậy, việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em chủ động tránh xa ma túy là rất cần thiết.