Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đã và đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, giới văn nghệ sĩ mọi lứa tuổi.
Để văn hóa truyền thống "cất cánh", cần đầu tư nhân lực
GS, TS Lê Hồng Lý (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định, Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 thể hiện khá đầy đủ khi đề cập khá toàn diện và chi tiết từ các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý;
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc đồng thời gắn liền với giải pháp tài chính...
Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS, TS Lê Hồng Lý cho rằng: "Thực tế hiện nay, lực lượng nghiên cứu và hoạt động về văn hóa, nghệ thuật dân gian ngày càng thưa vắng. Công tác nghiên cứu văn nghệ dân gian ngoài việc luôn cần sự kiên trì, cần cù thì để vững vàng trong nghề đòi hỏi sự say nghề và đầu tư thời gian, công sức hàng chục năm. Ai cũng hiểu giá trị của văn hóa dân gian là quý giá, song đội ngũ kế cận đang thiếu vắng".
Vì thế, ông Lê Hồng Lý đề xuất, để thu hút lớp trẻ có năng lực, nghiên cứu và hoạt động về văn hóa, nghệ thuật dân gian cần "được đầu tư hơn".
Cũng quan tâm về tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hóa, TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, một trong những giái pháp mà Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh là về tài chính, theo đó ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa nghệ thuật, thương hiệu văn hóa quốc gia.
"Tăng mức đầu cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm", ông Phòng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Phòng, một số địa phương thiếu nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí, hoạt động thể dục thể thao của người dân.
"Việc khôi phục, gìn giữ, phát huy cũng như trao truyền giá trị các di sản, loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ chưa đạt được so với mục tiêu, kỳ vọng", ông nói và nhấn mạnh, "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển".
Việc đầu tư tương xứng cho lĩnh vực văn hóa là điều kiện cần để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả nguồn vốn văn hóa dân tộc, đồng thời khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động, tích cực của mỗi người dân, tạọ sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần vững chắc để cùng với các nguồn lực khác sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Cần đầu tư tương xứng
Cho rằng, phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, phát huy các di sản được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, Giám đốc CTCP Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh, nghiên cứu và khôi phục trang phục cổ (cổ phục) cũng là lưu giữ, phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Không chỉ phục dựng trang phục mà còn cố gắng tái hiện cả bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn, để những người đến tham quan hình dung được về cuộc sống thực sự của những bộ trang phục đó.
Những năm gần đây, dưới sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ cũng như sự phát triển của các bộ phim, dự án nghệ thuật, một luồng gió tươi mới đã được thổi vào những bộ cổ phục Việt Nam, thu hút sự quan tâm đông đảo những người yêu thích tìm hiểu văn hóa.
"Dù một số nhóm bạn trẻ ở Việt Nam cũng đã cố gắng làm công việc đó một cách công phu nhất có thể nhưng chúng tôi rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý, các chuyên gia cùng với đó là những định hướng từ chính sách, sự hỗ trợ và khuyến khích để nhiều thành phần cùng tham gia", Giám đốc CTCP Ỷ Vân Hiên nói.
Từ những đặc điểm riêng có của Đô thị di sản Huế, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ VH-TT&DL tham mưu trình Quốc hội tiếp tục đầu tư cho văn hóa tương xứng nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, để tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực nhằm thực thi có hiệu quả một số giải pháp:
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đi vào đời sống của Nhân dân; tiến hành kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể để vừa giữ gìn bảo vệ và phát huy giá trị.
Khuyến khích việc giữ gìn, biên soạn, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể; nghiên cứu về phong tục tập quán, trang phục truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các DTTS…
Cùng với đó, triển khai các chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của vùng đất. Xây dựng hệ thống các giải pháp hiệu quả để hạn chế những tiêu cực do du lịch. Xã hội hóa và nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, các hoạt động trong Festival.
Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sự sáng tạo.