Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường giáo dục gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho trẻ em

“Nếu các bạn trẻ đang gặp những trở ngại, triệu chứng tiêu cực về tâm sinh lý, dẫu nặng hay nhẹ, cũng đừng ngần ngại chia sẻ với cha mẹ, người thân. Khi triệu chứng của bệnh tâm lý, trầm cảm,… ngày càng phát triển theo xu hướng tiêu cực, hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý” - Linh Anh (học sinh Hà Nội, từng rơi vào trạng thái trầm cảm) nhắn nhủ.

Hành trình vượt qua trầm cảm

Gần đây, nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do trầm cảm tuổi vị thành niên khiến dư luận bàng hoàng và đau xót. Với mục tiêu giúp các bạn trẻ thay đổi góc nhìn về sức khỏe tinh thần, một số em học sinh đã khởi xướng những dự án rất thú vị và ý nghĩa để hỗ trợ người trầm cảm.

Tranh minh họa dự án “Blame Your Brain” của nhóm học sinh Đặng Hoàng Bảo Trâm.

Tranh minh họa dự án “Blame Your Brain” của nhóm học sinh Đặng Hoàng Bảo Trâm.

Lê Ngọc Linh Anh (Hà Nội) nhớ lại, khoảng thời gian học lớp 8 là thời điểm thực sự tồi tệ, em bị giáo viên chèn ép, bạn bè xa lánh và miệt thị bởi ngoại hình không ưa nhìn và những sở thích khác người. Thêm vào đó là áp lực học tập từ phía cha mẹ và từ chính bản thân đã khiến em rơi vào trạng thái trầm cảm, thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực, độc hại về bản thân và nhiều lần có ý muốn tự sát. Bác sĩ chẩn đoán Linh Anh mắc bệnh trầm cảm. Dẫu cho nhận được lời động viên, giúp đỡ từ những người thân nhưng bản thân em cho rằng mình vẫn chưa thoát khỏi cái bóng vây phủ của tinh thần tiêu cực. Thử thách lớn nhất trong thời gian đó với em chính là sự cô đơn, thiếu vắng bạn bè. Phải tới khi chuyển trường - được dành nhiều thời gian để phát triển những sở thích cá nhân - thì tâm lý em mới ổn định trở lại.

May mắn là Linh Anh có người mẹ hiểu chuyện và hết lòng hỗ trợ con. Khi tình trạng tâm lý chuyển biến tốt, em dần tự tin và bùng cháy khát khao mong muốn nâng cao hiểu biết về sức khỏe tinh thần cho các bạn học sinh.

Từ thực tế đã trải qua, Linh Anh mới hiểu rằng, nguyên do dẫn đến một căn bệnh tâm lý không chỉ đơn thuần nằm ở vấn đề khách quan (như môi trường, bạn bè, người thân…) mà nó cũng có thể di truyền từ ông bà sang bố mẹ, từ bố mẹ sang con (bố Linh Anh từng vào bệnh viện điều trị bệnh trầm cảm).

“Nếu các bạn trẻ đang gặp những trở ngại, triệu chứng tiêu cực về tâm sinh lý, dẫu nặng hay nhẹ, cũng đừng ngần ngại chia sẻ với cha mẹ, người thân. Khi triệu chứng của bệnh tâm lý ngày càng phát triển theo xu hướng tiêu cực, hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý” - Linh Anh nhắn nhủ.

Nâng cao nhận thức của người trẻ về sức khỏe tinh thần

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Một cuộc khảo sát trên 1.727 học sinh THCS tại Hà Nội cho thấy, có đến hơn 25% các đối tượng học sinh có biểu hiện rối loạn về tâm thần.

Những con số này khiến nhiều người lo ngại, bởi trầm cảm tuổi học đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thể chất của trẻ. Nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ phù hợp sẽ làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng, nguy cơ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Trước thực trạng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Các em có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, trầm cảm, khó điều chỉnh cảm xúc, ý định tự tử và sử dụng chất kích thích, bác sĩ Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam đề nghị phải sớm kiện toàn hệ thống giáo dục và tư vấn tâm lý học đường, tăng cường giáo dục gia đình, hỗ trợ phụ huynh về kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc và giao tiếp, hướng tới thay đổi chuẩn mực hành vi của trẻ.

Giải pháp cốt lõi là đẩy mạnh giáo dục gia đình, phát hiện và hỗ trợ giảm thiểu áp lực tâm lý khi con bị quá tải về học hành. Cùng với đó, phải tăng cường năng lực, kiến thức, phương pháp, kỹ năng của cán bộ tại các trung tâm bảo trợ xã hội; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2018-2025”.

Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần vẫn chưa được coi trọng đúng mức và không phải gia đình nào cũng nhận thức được nguy cơ để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Ðáng mừng là có một số học sinh đã có những dự án tuyên truyền, cảnh báo tính chất phức tạp của các chứng bệnh tâm lý, giúp các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ về sức khỏe tâm thần.

Ðiển hình là Ðặng Hoàng Bảo Trâm (TP.HCM) đã dành ra hai năm trung học dẫn dắt tổ chức phi lợi nhuận Unfold the V để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần. Trâm nhớ lại: “Khi nhận một lá thư, trong đó người gửi tự căm ghét và trách cứ bản thân vì bị trầm cảm, tôi mới nhận ra tính chất phức tạp của các chứng bệnh tâm lý”. Trâm quyết định dành thời gian tìm hiểu sâu về trầm cảm. Qua các hoạt động tuyên truyền, Trâm nhận ra rằng việc tạo ra một không gian an toàn để ai đó chia sẻ chính là nghĩa cử hỗ trợ tinh thần mà người đó cần.

Khi được bầu làm Chủ tịch của Unfold the V, Trâm đã điều chỉnh mục tiêu hành động của tổ chức sang giúp đỡ mọi người thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Chùm truyện tranh ngắn vui nhộn Blame Your Brain (tạm dịch: Tại não của bạn đó) của Trâm được đăng hằng ngày. “Chỉ trong hai ngày, truyện tranh này đã gặt hái được thành công với gần 11.000 lượng truy cập và nhận được nhiều phản hồi tích cực”, Trâm phấn khởi chia sẻ. “Từ thành công bước đầu đó, tôi càng mong muốn tạo ra những mẩu truyện hấp dẫn hơn để có thể tiếp cận với nhiều cá nhân đang phải vật lộn với vấn đề tâm lý trong cộng đồng”.

Linh Anh hứng khởi chia sẻ về Ðom Ðóm - một trong những sáng kiến của cô cùng một số bạn học sinh, sinh viên ở Hà Nội, với mong muốn gia tăng kiến thức cho cộng đồng về ba chủ đề chính: bản dạng giới, xã hội và nữ quyền.

Mong muốn trở thành một chuyên gia tâm lý thanh thiếu niên, mở phòng khám điều trị và tham vấn dành riêng cho thiếu niên gặp vấn đề tâm lý, em tham gia các khóa học trực tuyến từ các trường đại học trên thế giới, trong đó có nhập môn Tâm lý học và Tâm lý học tích cực; tham gia các khóa phát triển tâm lý cho thiếu niên với tên gọi Lãnh đạo bắt đầu từ nội tâm: Lãnh đạo bản thân và Khám phá giới trẻ.

Cũng cùng mục tiêu như Bảo Trâm, Linh Anh, Hồ Ngọc Yến Uyên (Cần Thơ) đã khởi xướng “Trầm” - dự án hướng đến xóa bỏ suy nghĩ lảng tránh nói về các bệnh tâm lý và nuôi dưỡng sự thấu cảm với bệnh nhân trầm cảm.

Dự án Trầm của Yến Uyên với khởi đầu thuận lợi thu hút 73 thành viên và 6.400 người hỗ trợ trực tuyến. “Tuy nhiên, sau 1 năm, nhóm của tôi phải đối mặt với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội chỉ trích rằng dự án đang thổi phồng vấn đề lên”, “Nhóm chúng tôi phải liên hệ với các nhà tâm lý học trị liệu để tham vấn và kết luận, vấn đề chính ở đây là người ta không nhìn thấu được nỗi đau tinh thần của người bị trầm cảm, nên họ xem các hành vi liên quan tới trầm cảm là phản ứng thái quá. Vì vậy, chúng tôi thử hình ảnh hóa những căn bệnh tâm lý qua triển lãm nghệ thuật trực tuyến 3D về trị liệu tinh thần, với hy vọng thuyết phục mọi người về sự tồn tại của những nỗi đau vô hình” - Uyên chia sẻ.

Cách tiếp cận mới mà nhóm Uyên đưa ra đã giúp nhiều người cảm thông và có những hỗ trợ thích hợp cho bạn bè - những người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bảo Trâm và gia đình vui mừng trong buổi lễ trao học bổng.

Bảo Trâm và gia đình vui mừng trong buổi lễ trao học bổng.

Mong ước hỗ trợ cộng đồng các vấn đề sức khỏe tinh thần qua hàng loạt hoạt động mà các bạn trẻ Bảo Trâm, Linh Anh, Yến Uyên khởi xướng và thực hiện suốt thời trung học cho đến bây giờ, đã giúp các em được nhận Học bổng toàn phần của Ðại học RMIT Việt Nam. Ðược trao cho cơ hội làm giàu kiến thức và kinh nghiệm về truyền thông, marketing và tâm lý học, các em sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giúp mọi người lắng nghe và thấu cảm tiếng nói của người trầm cảm.

logo CD Vu GD