Điểm sáng từ những mô hình
Trao đổi với chúng tôi về mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em”, bà Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết: Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình điểm “Phòng, chống xâm hại trẻ em”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Yên Bình được giữ vững. Các hành vi bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, bạo lực học đường đã không xảy ra. Ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em là điều cấp thiết nhưng không phải ngày một, ngày hai, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đòi hỏi cộng đồng xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Với khẩu hiệu “Nói không với xâm hại trẻ em” và cách làm hay, sáng tạo, mô hình này xứng đáng được nhân rộng trong toàn huyện Quang Bình để chung tay bảo vệ trẻ em.
Tại các trường học, giáo viên cũng phải cam kết không được có lời nói, hành động xâm hại học sinh, tạo môi trường giáo dục bình đẳng, giúp các em phát triển toàn diện về tư duy, thẩm mỹ, có lối sống lành mạnh, thói quen ứng xử văn hóa với thầy, cô, bạn bè trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Cô giáo Lê Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Bình cho hay: Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em, giáo viên đã lồng ghép nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống. Với những tình huống đặt ra theo từng hoàn cảnh cụ thể, các em sẽ biết cách tự bảo vệ mình, có suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực. Ngoài tham gia các hoạt động của nhà trường, các em còn được tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, với các đề tài được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, diễn kịch… dễ tiếp thu để nhìn nhận, giải quyết vấn đề.
Học sinh trường THCS An Bình (TX.Dĩ An – Bình Dương) tham gia vẽ tranh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: K. Hà
Để giúp các bạn hiểu, cảnh giác và biết cách phòng tránh hành động xâm hại, 3 học sinh Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long – Quảng Ninh) đã sáng tạo ra mô hình "Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em". Chia sẻ về ý tưởng khi thực hiện mô hình này, Nguyễn Hà Anh, trưởng nhóm, cho biết: Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng nhiều, kể cả ở bạn nữ và bạn nam, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh. Hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở mọi nơi kể cả trường học, nhiều khi là ngay tại chính ngôi nhà của các bạn. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại gồm nhiều lứa tuổi và đặc biệt nguy hiểm hơn là những người tưởng như an tâm nhất, như người thân trong gia đình, thầy, cô giáo của các bạn. Mặc dù chúng em đã được các thầy cô giáo dục về giới tính, phổ biến một số kiến thức về cách nhận biết hành vi xâm hại tình dục, kỹ năng để bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm, nhưng nhiều bạn vẫn chưa nhận thức hết được nguy hiểm, chưa biết xử lý tình huống và tố giác người xâm hại mình. Do đó, nhóm chúng em đã đưa ra ý tưởng xây dựng mô mình “Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em”, nhằm giúp các bạn học sinh hiểu, nhận biết rõ các hành vi nguy hiểm xâm hại đến thân thể mình để biết cách phòng, tránh.
Mô hình được thiết kế đơn giản, vật liệu dễ tìm, vận hành dễ dàng, có thể áp dụng trong các tiết học giáo dục giới tính. Với mô hình này, các buổi học về giới tính trở nên đơn giản hơn, kiến thức được chuyển tải một cách trực quan hơn, học sinh có thể ghi nhớ tốt hơn, từ đó hình thành được phản xạ khi có hành động xâm hại xảy ra.
Hội thảo "Xâm hại trong học đường". Ảnh: P. Thảo
Tăng cường hoạt động ngoại khóa nâng cao nhận thức cho học sinh
Hoạt động ngoại khóa trên được nhiều nhà trường kết hợp tổ chức không chỉ nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề giới tính mà qua đó còn tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường học đường lành mạnh.
Cô giáo Trần Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) cho rằng, các em cần được phổ cập những kỹ năng cơ bản để phòng chống xâm hại, bảo vệ bản thân, phát hiện người xấu để các em tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải. Thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề, các em học sinh sẽ có những hiểu biết cơ bản về giới tính và cách phòng vệ tránh bị xâm hại, từ đó giúp các em tự tin hơn, biết ứng xử khéo léo, hợp lý khi bắt gặp những kẻ xấu trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng các mô hình tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học, thiết lập cơ chế trong trường học để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em, từ đó chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, kịp thời điều tra, xử lý.
Việc tạo tâm lý thoải mái, cởi mở trong buổi ngoại khóa đã giúp học sinh dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và thẳng thắn phát biểu ý kiến về vấn đề xâm hại trẻ em. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa được chú trọng lồng ghép những kiến thức thực tế về sức khỏe sinh sản, thông qua các câu hỏi, các trò chơi hấp dẫn đã thu hút sự theo dõi và tham gia của các em học sinh, giúp các em có thêm kiến thức tự chăm sóc và bảo vệ mình, có kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý, những kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe của vị thành niên, cách để phòng tránh bị xâm hại, lạm dụng tình dục, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn. Đây cũng là hành trang hết sức cần thiết giúp các em học sinh tự tin hơn khi bước vào đời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các nhà trường còn gặp một số khó khăn như: Một số nhà trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chưa có tường rào che chắn khiến kẻ gian dễ dàng đột nhập, có thể gây hại cho học sinh; nhiều phụ huynh chưa quan tâm, hướng dẫn con em mình các kỹ năng nhận biết và phòng tránh các nguy cơ bị bạo hành, xâm hại... Vì vậy, để việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao thời gian tới, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Hồng Lĩnh/GĐTE