Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành trong cả nước; địa phương tiếp giáp Vĩnh Phúc là Thành phố Hà Nội những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận những ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Nhận định người dân Vĩnh Phúc sống và làm việc tại Hà Nội với số lượng lớn, người Hà Nội đến làm việc, đi lại vào tỉnh không ít, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào cộng đồng rất cao, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đối với người từ Thành phố Hà Nội về, đến Vĩnh Phúc. Trong đó, giao các sở, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố theo thẩm quyền lập và tăng cường hoạt động của các chốt trên các tuyến giao thông kết nối với Thành phố Hà Nội, kể cả đường mòn, lối mở để siết chặt quản lý người đến, về từ Hà Nội.
Bên cạnh 9 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, một số huyện, thành phố có địa phận giáp ranh với Thành phố Hà Nội như: TP. Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Yên Lạc đã lập thêm các chốt kiểm soát dịch bệnh để kiểm soát người ra, vào địa phương.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Bình Xuyên đã lập thêm 3 chốt kiểm soát. Chốt số 1 từ ngã ba thôn Can Bi, xã Phú Xuân đi sang thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. Chốt thứ 2 từ cầu Bảo Đức, tổ dân phố Trại Ngoài, thị trấn Đạo Đức đi sang thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. Chốt thứ 3 từ cầu bê tông thôn Can Bi 2, xã Phú Xuân đi sang thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Yên Lạc cũng lập thêm 2 chốt kiểm soát vùng giáp ranh tại đê thôn Phần Xa, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc đi xã Tiến Thịnh, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội và chốt từ điếm trông đê thôn Lồ, xã Nguyệt Đức đi Vạn Yên, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.
Theo Trung úy Tạ Văn Đạt, trực tại chốt kiểm soát số 2, địa phận xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc: Trước khi Thành phố Hà Nội chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, mỗi ngày chốt thực hiện kiểm soát khoảng 400 lượt người qua lại. Từ ngày 24/7 đến nay, trung bình mỗi ngày, các lực lượng ở đây kiểm soát khoảng 50 lượt người ra, vào. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng còn tuyên truyền để người dân biết Thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách, không nhận người ngoại tỉnh nên khi có việc thực sự cấp thiết mới ra khỏi tỉnh.
Ngoài 2 chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh lập trên địa bàn thành phố Phúc Yên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã thành lập thêm 5 chốt kiểm soát vào các tuyến đường trọng yếu của thành phố. Chốt 1 từ điểm giao cắt đường Ngô Miễn, phường Phúc Thắng với xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội; chốt 2 từ điểm giao cắt đường Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội sang đường Trường Chinh, phường Đồng Xuân; chốt 3 tuyến đường 308 tổ dân phố Đại Nội, phường Tiền Châu; chốt 4 thuộc điểm giao cắt quốc lộ 23, địa phận xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội và đường Nguyễn Trãi, phường Hùng Vương; chốt 5 tại điểm giao cắt đường Ngô Thì Nhậm vào thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh với đường Lý Nam Đế, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên. Trong ngày 27/7, tại 5 chốt này, lực lượng trực chốt đã thực hiện test nhanh Covid-19 đối với hơn 2.000 trường hợp ra, vào địa bàn.
Để bảo đảm quản lý chặt chẽ các nguồn lây, ngoài việc vận động người Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Hà Nội tạm thời không về địa phương trong thời gian Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, UBND tỉnh yêu cầu trường hợp đặc biệt phải trở về tỉnh phải thông báo trước với chính quyền địa phương nơi cư trú; đồng thời, phải có xét nghiệm Sars-CoV-2 cho kết quả âm tính trong vòng 3 ngày gần nhất trước khi về Vĩnh Phúc, nếu không có kết quả xét nghiệm thì thực hiện cách ly tập trung trong vòng 21 ngày theo quy định.