Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”.

Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường; sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện, sử dụng ma túy trong cả nước.

Cụ thể, 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy với các hình thức, nội dung phù hợp với các nhà trường; ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực thực hiện được việc tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề ma túy cho học sinh, sinh viên khi cần; 100% nhà trường thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học; thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

Công tác phòng chống ma túy trong các nhà trường đòi hỏi phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và cần phải được thực hiện một cách thống nhất về tổ chức chỉ đạo, đồng thời có các giải pháp đồng bộ, căn cơ, sáng tạo, phù hợp trong môi trường giáo dục. Ảnh minh họa

Công tác phòng chống ma túy trong các nhà trường đòi hỏi phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và cần phải được thực hiện một cách thống nhất về tổ chức chỉ đạo, đồng thời có các giải pháp đồng bộ, căn cơ, sáng tạo, phù hợp trong môi trường giáo dục. Ảnh minh họa

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu gồm:

1. Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về phòng, chống ma túy trong trường học và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCMT trong trường học.

2. Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường: Ngành Giáo dục chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách thành viên có liên quan đến tệ nạn ma túy để xử lý theo quy định của luật pháp. Nhà trường phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp thành viên nghiện ma túy.

3. Tổ chức truyền thông phòng, chống ma túy trong nhà trường: Tổ chức mít tinh, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy; hằng năm tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết nghiêm túc chấp hành pháp luật về không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy.

4. Xây dựng, triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên: Rà soát, xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng nhận biết, phòng, chống ma túy phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên của các cấp học.

5. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma túy: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán các nội dung về phòng, chống ma túy và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khoá.

6. Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy trong các hoạt động giáo dục của các cấp học: Lồng ghép vào trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho học sinh; lồng ghép vào Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học, năm học và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.

7. Tăng cường công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội: Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên.

8. Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy: Trang bị cho Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống ma túy", Câu lạc bộ "Học sinh phòng, chống ma túy" của các cơ sở giáo dục ở các vùng kinh tế khó khăn và trọng điểm về phòng, chống ma túy thiết bị, công nghệ đầu cuối phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

9. Tăng cường công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng, chống ma túy trong trường học: Triển khai xã hội hóa dưới nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và thiết thực nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong trường học.