Ông Christopher Batt, Phụ trách UNODC tại Việt Nam.
Báo cáo của cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) cho biết, trên thế giới có khoảng 510 đường dây mua bán người, 152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người.
Báo cáo đánh giá của các tổ chức thế giới nhấn mạnh, các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỉ USD/năm.
Chị Lê Thị Lan (sinh năm 1976), trú tại ngụ xóm 12, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, thông qua mạng xã hội Facebook đã đoàn tụ với gia đình sau 24 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh Internet
Tại Việt Nam, các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 169 nạn nhân bị lừa bán. So với cùng kỳ năm 2018, con số này có giảm 28%, nhưng điều đáng lo là số đối tượng liên quan đến mua bán người lại có dấu hiệu tăng 12,7%. Điều đó cho thấy, lợi nhuận từ việc mua bán người, mua bán nội tạng đã làm gia tăng những đối tượng xấu, bất chấp hậu quả để mưu lợi cá nhân.
Trong quý I năm 2019, các lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây chiếm đoạt, mua bán nội tạng xuyên quốc gia, 5 đối tượng liên quan trong vụ án đã thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, kiếm lợi hàng chục tỷ đồng. Triệt phá đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) "đẻ thuê" với giá từ 120.000- 140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400 -500 triệu VNĐ). Cuộc sống khó khăn và sự kém hiểu biết đã khiến không ít phụ nữ (nhất là người dân tộc thiểu số) tham gia vào đường dây này. Cùng với đó, những khoản lợi nhuận khổng lồ thu về từ việc mua bán người và nội tạng đã khiến các đối tượng tội phạm hoạt động ráo riết, manh động và tinh vi hơn. Công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước đây, đa phần các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực Đông nam á, , nhưng hiện giờ, tình hình đưa người xuất cảnh trái phép sang các nước châu Âu đã có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh.
Lực lượng chức năng Việt Nam áp giải đối tượng Dương Thị Hà (SN 1975, trú tại thôn Bình Yên, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) bị truy nã đặc biệt với tội danh “Mua bán phụ nữ”, đã trốn sang Trung Quốc tránh sự truy tìm của cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội mua bán người có rất nhiều thành phần và độ tuổi khác nhau, chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và bên kia biên giới, tạo thành đường dây khép kín. Rất nhiều đối tượng có kiến thức và am hiểu xã hội, thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân. Đáng chú ý, nhiều người đã từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ, hoặc làm gái mại dâm, đã nắm được cách thức và lợi nhuận từ việc mua bán người, nên sau khi quay về Việt Nam, đã cấu kết với các đối tượng bên kia biên giới để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc, đặc biệt có trường hợp lừa cả người thân trong gia đình.
Không chỉ lừa bán các nạn nhân là người Việt Nam, một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng, trở về đã móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép.
Một điểm chung của các nạn nhân bị mua bán thường là những phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới và đang trong độ tuổi kết hôn gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình. Các nhóm đối tượng không có việc làm ổn định, khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết về pháp luật, học sinh, sinh viên thích hưởng thụ ăn chơi, đua đòi, nợ nần, lợi dụng chính phong tục "cướp vợ" của đồng bào dân tộc thiểu số để bắt cóc, mua bán. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các đối tượng xấu đóng giả công an, bộ đội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao để đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán hát ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ, ép buộc hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bán ra nước ngoài.
Những cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, thường là nơi các đối tượng xấu tiếp cận. Chúng móc nối với nhân viên các cơ sở này để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn, nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh hoặc mua bán các trẻ có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh).
Cần thiết phải địa phương hóa hơn nữa về ngôn ngữ của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hoạt động truyền thông có thể đến với tất cả người dân, giúp họ thay đổi thái độ và nhận thức rõ hơn về loại tội phạm này.
Muốn nâng cao nhận thức cho người dân, trước hết, cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về tội phạm mua bán người với hình thức và nội dung sát với thực tế; Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt…; Chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Cần thiết phải địa phương hóa hơn nữa về ngôn ngữ của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hoạt động truyền thông có thể đến với tất cả người dân, giúp họ thay đổi thái độ và nhận thức rõ hơn về loại tội phạm này. Bên cạnh đó, thông tin bắt giữ, xét xử những đối tượng mua bán người cần được cập nhật liên tục, công khai qua các phương tiên thông tin đại chúng.
Cần trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin liên lạc giữa các cơ quan chức năng và người dân để phối hợp kịp thời và chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm mua bán người từ cấp cơ sở. Các cơ quan chức năng cũng cần có chiến lược phát triển kinh tế ổn định ở địa phương, giảm hộ nghèo, nâng cao dân trí; Tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng them nhiều chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự, phim tài liệu bằng cả tiếng dân tộc thiểu số để phát huy hiệu quả công tác truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, các trường học, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội để nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm. Đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác quốc tế với các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... để trao đổi thông tin nghiệp vụ, xác minh, điều tra, đấu tranh xử lý tội phạm mua bán người xuyên quốc gia.
Xuân Quang/GĐ&TE