56,6% tai nạn do người sử dụng lao động
Thiệt hại về vật chất do TNLĐ (chi phí tiền thuốc men, tiền bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương là 38,85 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 2,4 tỷ đồng). Người lao động phải nghỉ điều trị do TNLĐ lên đến 43.953 ngày. Theo phân tích, để xảy ra TNLĐ do người sử dụng lao động chiếm 56,6%, nguyên nhân do người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ cho lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn... Nguyên nhân từ người lao động chỉ chiếm 17,1% với các lỗi: Vi phạm quy trình quy phạm ATLĐ; lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và các nguyên nhân khách quan khác.
Lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Việc xử lý trách nhiệm đối với vụ TNLĐ, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, ngoài một số vụ nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, đã có 1 vụ được chuyển hồ sơ sang cơ quan bảo vệ pháp luật đề nghị khởi tố; 1 vụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vụ TNLĐ do đổ sập thiết bị xảy ra vào 15 giờ 00 ngày 7/1 làm 1 người chết tại Cty TNHH Tư vấn thương mại xây dựng Thế Long (phường 14, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vi phạm các quy định về ATLĐ và các quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ATLĐ, đã chuyển hồ sơ đề nghị xem xét khởi tố theo quy định pháp luật; vụ tai nạn do sập giàn giáo xảy ra ngày 25/3 tại công trường thi công sản xuất và lắp đặt thùng chìm trọng lực dự án Formusa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) làm 13 người chết, 29 người bị thương, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tăng cường thanh tra doanh nghiệp có nguy cơ cao
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với Cục An toàn lao động, Thanh tra Bộ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng; đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ; chú ý đến hoạt động xây dựng nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động mới được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016.
Công nhân ngành điện lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, vật rơi, đổ sập, điện giật; tổ chức huấn luyện đảm bảo ATLĐ cho người lao động. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên. Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động được trang bị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, bảo đảm an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động...