Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội cho nhóm dân tộc thiểu số

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội hoàn chỉnh, hiện đại sẽ cung cấp thông tin về chính sách, dữ liệu an sinh xã hội cho Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

 

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ- TBXH đã phối hợp với Ngân hàng thế giới World Bank tổ chức Hội thảo “Tăng cường tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội cho nhóm dân tộc thiểu số”. Đây là Hội thảo quan trọng nhằm đánh giá hiện trạng, thách thức và định hướng đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội ở nước ta, đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội trong thời gian tới.

Tham dự hội thảo có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ - TBXH); ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối hoạt động dự án tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới; bà Kellie Raab, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ông Philip O’Keefe, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về an sinh xã hội, Ngân hàng Thế giới, cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội, trong đó khẳng định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Điều này được thể hiện trong nhiều luật, nghị định.
Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. 
Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
Các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Nhìn chung, các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc người có công, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.
Đồng thời, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng từng bước được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.
Ngày 14/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 488/QĐ-TTg) với mục tiêu: 
Trợ giúp kịp thời cho đối tượng gặp khó khăn đột xuất; mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, phù hợp với nhu cầu cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, để quản lý, giám sát chính sách an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, luật pháp, chính sách về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành.
 Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội chưa được hình thành và đang tồn tại độc lập từ các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội, giảm nghèo; ưu đãi người có công; lao động, việc làm, dạy nghề; tệ nạn xã hội...
Các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần đã và đang được triển khai nhưng chưa hoàn thiện, còn mang tính đơn lẻ, thiếu gắn kết với các địa phương, với các Bộ, ngành, đơn vị khác; chưa có giải pháp tổng thể trong việc hỗ trợ thực thi các chính sách bảo đảm kịp thời, thông suốt giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; vì vậy, công tác quản lý chính sách an sinh xã hội đạt hiệu quả chưa cao.
Quang cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng khẳng định, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội hoàn chỉnh, hiện đại sẽ cung cấp thông tin về chính sách, dữ liệu an sinh xã hội cho Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy các hệ thống thông tin chuyên ngành hiện có bổ sung thêm về cơ sở hạ tầng mạng; chuẩn hóa thông tin; xây dựng giải pháp kỹ thuật, cơ sở dữ liệu đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành với mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Đây là yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý nhà nước, vì vậy, Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 sẽ cụ thể hóa được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội.
Thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, trong đó có việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những dịch vụ công thiết yếu, trong thời gian qua, Bộ LĐ - TB&XH đã phối hợp Ngân hàng Thế giới trong việc chia sẻ các nghiên cứu, kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin triển khai các chính sách trợ giúp xã hội, qua đó đưa ra các giải phù hợp nhằm tăng cường tiếp cận và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Theo một số chuyên gia tư vấn, hiện nay hệ thống TGXH của Việt Nam đã vươn tới các nhóm dân tộc thiểu số, nhưng mới chỉ áp dụng một chương trình thống nhất nên không đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng nhóm; còn bỏ sót đối tượng do áp lực hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo; các nhóm dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ còn gặp khó khăn như đi lại, hạn chế ngôn ngữ, năng lực cán bộ thấp.
Một số kiến nghị được đưa ra là cần tăng cường công tác truyền thông và tiếp cận đối tượng như: nhắn tin qua điện thoại tùy theo địa bàn và đối tượng; tập huấn cho cán bộ thôn, đại diện tổ chức quần chúng như phụ nữ, thanh niên để phổ biến thông tin về chế độ, quy định; đơn giản hóa thủ tục, quy trình đăng ký, duyệt danh sách. Tiến tới cải tiến công tác chi trả như giảm chi phí cho đối tượng khi đi nhận chế độ thông qua việc chi trả tại thôn, tại nhà bằng tiền mặt, thí điểm các hình thức thanh toán điện tử tại các địa phương khác nhau tùy hoàn cảnh cụ thể.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ các vấn đề: Các rào cản trong tiếp cận các chương trình TGXH của nhóm dân tộc thiểu số; Quy trình và thủ tục đăng ký trực tuyến chương trình TGXH; Chi trả trợ cấp điện tử; Thí điểm đăng ký và chỉ trả điện tử chế độ TGXH.